Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS liên tục kêu khó vì chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Mới đây, trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục kêu khó.

Cảm thông trước khó khăn của những đứa “con ruột”, Bộ trưởng xây dựng đã tiết lộ: Bộ đã không chỉ dừng lại ở việc gửi công văn đề xuất “giải cứu” cho BĐS, mà mới đây, Bộ Xây dựng đã có tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Và, thông tin mới nhất Bộ trưởng Xây dựng cho biết là “trong 6 tháng cuối năm vẫn có tăng trưởng tín dụng BĐS”(?).

Chưa biết thực hư tín dụng BĐS trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng ra sao, hay đó chỉ là một biện pháp vỗ về doanh nghiệp của lãnh đạo ngành xây dựng. Bởi, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về những biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải siết tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Vì thế, nếu sự thực có chuyện nới lỏng tín dụng với BĐS có nghĩa Ngân hàng Nhà nước, Bộ xây dựng đã đi ngược Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Phunutoday về thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Đồng chí Bộ trưởng xây dựng hiện nay đang thiếu hiểu biết. Và, việc Bộ Xây dựng bày tỏ trách nhiệm với doanh nghiệp nhưng lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm với người dân…

Đặng Hùng Võ: Giải cứu BĐS là thiếu trách nhiệm với dân!
Ông Đặng Hùng Võ

Không nghe doanh nghiệp đẽo cày giữa đường!

PV: - Thời gian gần đây có quá nhiều doanh nghiệp BĐS “kêu gào” thảm cảnh, phía ngành quản lý là Bộ xây dựng cũng đã tìm nhiều cách gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS, trong đó có việc đề xuất tăng tín dụng BĐS liệu có khả thi không thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: - Đúng là hiện nay nhiều nhà đầu tư BĐS đang kêu gào khó khăn. Thậm chí mới đây Bộ Xây dựng còn tiếp xúc với Thống đốc ngân hàng nói việc thị trường BĐS nên có sự giải cứu. Theo tôi tất cả những chuyện đó là thiếu hiểu biết. Bởi nhiệm vụ trọng tâm ở ta hiện nay là kiềm chế lạm phát.

Việc kiềm chế lạm phát đương nhiên dẫn đến giảm cung tiền ra thị trường và BĐS bị ảnh hưởng. Nhưng đừng vì thế mà anh tính chuyện “đẽo cày giữa đường”, thấy người nọ góp ý thì đẽo cày hình vuông, khi khác có người góp ý lại đẽo cày hình tròn. Đã kiềm chế lạm phát thì anh phải kiên định vì mục tiêu này.

PV: - Việc kiềm chế lạm phát rất quan trọng, nhưng thị trường BĐS tiếp tục đi xuống cũng rất nguy hiểm. Thậm chí có chuyên gia tài chính đã cảnh báo sự đổ vỡ trong lĩnh vực BĐS có thể sẽ gây hiệu ứng đôminô. Nếu điều đó xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế!

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi cho rằng cứ để thị trường BĐS như hiện nay là tốt hơn. Vì giá BĐS hiện nay chưa xuống dưới giá sàn nên nhà đầu tư vẫn còn có lãi. Còn doanh nghiệp khó khăn về vốn, họ có thể “xoay” bằng việc chuyển giao dự án, thậm chí anh có thể “lừa” khách hàng để huy động vốn. Nhưng “lừa” khách hàng ở đây là một thủ thuật. Đó là việc anh đưa ra những ưu đãi, quyền lợi để thu hút khách hàng họ mua hàng và nộp tiền.

Thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp họ cũng rất tài huy động vốn theo kiểu này rồi. Nhưng khi thị trường gặp khó một chút, nếu Nhà nước nghe doanh nghiệp kêu mà cứu ngay là chết, là lạm phát sẽ tăng ngay.

Còn việc thị trường BĐS đi xuống có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế hay không thì tôi khẳng định là thị trường BĐS hiện nay không có nguy cơ tác động vào thị trường tài chính. Ngược lại, chỉ có nguy cơ thị trường tài chính mất khả năng thanh toán dẫn đến tác động đến thị trường BĐS.

Thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm với dân?

PV: - Nhưng nói thế nào thì vẫn phải khẳng định một điều là thị trường BĐS Việt Nam đang gặp khó. Hiện, giá của nhiều phân khúc BĐS đã giảm rất sâu so với trước kia. Ông có nhận định gì về thị trường BĐS nước ta trong thời gian tiếp theo?

Đặng Hùng Võ: Giải cứu BĐS là thiếu trách nhiệm với dân!
Nhiều lần muốn "giải cứu" thị trường BĐS trong lúc Chính phủ kiên quyết kiềm chế lạm phát, phải chăng lãnh đạo Bộ Xây dựng đang muốn... đẽo cày giữa đường?

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi cho rằng phải đến cuối sang năm mới có thể hy vọng thị trường hồi phục. Còn hiện tại, tôi nghĩ giá BĐS sẽ tiếp tục xuống, thậm chí xuống dưới giá sàn. Đó là điều tốt cho thị trường.

Thực tế hiện nay nhiều nhà đầu tư đang vướng nợ và đang đến chu kỳ trả nợ. Nhưng các anh đã ăn đủ trong quá khứ rồi, nên giờ là lúc các anh phải có trách nhiệm và phải chấp nhận. Thực tế ấy cho thấy không phải cứ nhảy vào BĐS là có siêu lợi nhuận, đó là một quan niệm bệnh hoạn.

PV: - Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng hoạt động đầu năm mới đây, Bộ trưởng xây dựng có “bật mí”: Bộ Xây dựng mới có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước có cho biết vẫn có tăng trưởng tín dụng BĐS. Như vậy, trong thời gian qua, Bộ xây dựng vẫn tích cực tìm cách “giải cứu” thị trường BĐS, một giải pháp vốn gây rất nhiều tranh cãi?

Ông Đặng Hùng Võ: - Tôi thấy đấy là điều vô nghĩa. Tôi có thể nói đưa lên báo chuyện này, đấy là đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng hiện nay đang thiếu hiểu biết.

Cơn cớ gì Bộ trưởng xây dựng đi kêu cứu và định làm cuộc đối thoại với Thống đốc ngân hàng? Ai cũng biết giá nhà Việt Nam cao hơn mức sống, mức thu nhập người Việt Nam 25 lần. Làm như thế là anh có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng lại không có trách nhiệm với người dân. Bởi vấn đề quyền lợi người dân quan tâm là giá nhà họ có thể tiếp cận chứ không phải mức giá ngất ngưởng mà các doanh nghiệp đang giữ. Và như thế, là đứng sau một nhóm lợi ích thôi!

PV: - Giả sử tín dụng cho BĐS tiếp tục có tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm giống như Bộ trưởng xây dựng đã nói và những đề xuất “gỡ khó” cho thị trường BĐS vẫn được thông qua thì hệ quả gì sẽ diễn ra thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: - Hiện nay khả năng đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng rất yếu. Thậm chí nhiều ngân hàng thương mại cho vay các dự án với lượng vốn rất lớn nhưng khả năng thanh toán giờ chỉ còn 10%.

Trong khi số vốn nghèo nàn tại các ngân hàng thương mại cần phải phục vụ sao cho các mặt hàng tiêu dùng khác như rau, cá, thịt giảm giá đi; thay vào đó, nếu tiền lại chảy vào BĐS thì giá BĐS lại tăng và lạm phát tăng theo là lẽ đương nhiên.

Hiện có một số ý kiến chủ quan cho rằng lạm phát không tăng hoặc có tăng nhưng tăng chậm. Nhưng những nhận định ấy cần phải xem lại. Bởi giá thực phẩm thời gian qua đã tăng từ 2-3 lần rồi. Nhưng chỉ những người đi chợ thường xuyên họ mới cảm nhận được mức lạm phát cao đến cỡ nào thôi. Và, tôi khẳng định lỗ hổng ấy là do thị trường tài chính tiền tệ chứ không phải là do thị trường BĐS gây áp lực cho thị trường tài chính tiền tệ.

Vì thế, nếu đã có mục tiêu là kiềm chế lạm phát thì anh không thể lung lay ngồi “đẽo cày giữa đường” mà quên đi mục tiêu ấy được!

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyên Minh (Phunutoday)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.