Sau khi Báo Giao thông điện tử đăng bài “Đà Nẵng xây đô thị trên cao: Chuyện... không tưởng?”, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả, các chuyên gia, cũng như các ban ngành chức năng và lãnh đạo TP Đà Nẵng. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giao thông đã tiếp tục trao đổi về vấn đề này và được biết “câu chuyện” xây khu đô thị trên cao bán đảo Sơn Trà đã nằm trong... tầm ngắm của lãnh đạo TP năng động này từ khá lâu.

>> Đà Nẵng xây đô thị trên cao: Chuyện... không tưởng?

Bán đảo Sơn Trà sẽ thành nơi đáng sống nhất Việt Nam?

Chủ động "đặt hàng" các chuyên gia
Một lãnh đạo cũ của TP Đà Nẵng khẳng định, ý tưởng này xuất phát từ nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ông luôn nhấn mạnh đến việc “Phải biến bán đảo Sơn Trà thành nơi con người gắn liền với thiên nhiên chứ đừng sợ con người vào đây sẽ phá hỏng môi trường”. Cũng từ đó, Đà Nẵng mong muốn có được 1 thành phố sinh thái trên cao - một điểm đến hấp dẫn mang tầm vóc khu vực.

Để biến “chiến lược” này thành hiện thực, lãnh đạo Đà Nẵng đã không ngừng mời gọi các chuyên gia đầu ngành đóng góp các ý tưởng xây dựng khu đô thị trên cao Sơn Trà. “Đề bài” mà chính quyền Đà Nẵng đặt ra là làm sao phải cân bằng giữa phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ gắn liền với bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái của bán đảo.

Trong các đề án được lập ra theo đơn đặt hàng của Đà Nẵng, đáng lưu ý nhất là Quy hoạch bán đảo Sơn Trà do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) thực hiện. Bản Quy hoạch này đã nhận được Giải thưởng về Thiết kế vùng & đô thị đầu năm 2014 của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (American Institute of Architects).
Có cần giới hạn độ cao?
Bản quy hoạch của SOM khẳng định không nên xây dựng các dự án phát triển ở vị trí cao hơn 100m so với mực nước biển. Các dự án thương mại, du lịch sẽ được bố trí trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ, nơi mà công trình có thể được “dấu” vào trong thiên nhiên.
Dựa trên nghiên cứu độ dốc, bản quy hoạch xác định vị trí xây dựng phù hợp nhằm giảm thiểu việc san lấp đất dọc sườn đồi và bờ biển.
Mặc dù xây dựng một đề án hết sức táo bạo và hấp dẫn nhưng chính đại diện của SOM cũng còn nhiều băn khoăn khi chia sẻ: “với mong ước về một “thành phố sinh thái” như lãnh đạo Đà Nẵng đưa ra thì bài toán bảo tồn – phát triển Sơn Trà vẫn chưa thực sự có lời giải”.

Chia sẻ về bản quy hoạch này, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho rằng rất hấp dẫn nhưng còn nhiều việc phải làm trước khi triển khai. Theo ông Trung, cần bổ sung những thông tin cần thiết làm nền tảng cho một quy hoạch bảo tồn như khảo sát về đa dạng sinh học, thảm thực vật, đất, v.v…

Hiện chúng ta cũng không có thông tin lý giải cho việc lựa chọn cao độ 100m như là giới hạn phát triển. Có thể quyết định này mới được đưa ra dựa trên việc xem xét các dự án đang được triển khai tại Sơn Trà. Đồ án cũng chưa xem xét yếu tố nước biển dâng cao và tác động của nó đối với khu vực ven biển xung quanh bán đảo, ông Trung nói.
Tuy nhiên, về độ cao giới hạn, chính nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vào thời điểm năm 2011 sau khi nghe SOM báo cáo đã có một góc nhìn khác. Theo ông Thanh, “Đề bài” đặt ra là “biến” bán đảo Sơn Trà thành thành phố sinh thái kết hợp giữa các khu vực ở, công trình du lịch, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá, chữa bệnh… Độ cao nghiên cứu không chỉ dừng ở 100m (từ mặt biển trở lên) mà có thể lên 200m – 300m, thậm chí lên đến các đỉnh 600 – 700m. Đây là độ cao lý tưởng để từ đỉnh Sơn Trà có thể quan sát bao quát TP Đà Nẵng và các vùng lân cận như Hải Vân, Lăng Cô (Thừa thiên Huế), Cù lao Chàm (Hội An) và biển Đông”.
Sẽ có cáp treo?
Nếu Sơn Trà sớm trở thành 1 thành phố trên cao giữa lòng biển khơi thì Đà Nẵng sẽ quy hoạch cải tạo kiến trúc và không gian đô thị hiện đại có các phân khu chức năng rõ ràng, có không gian kiến trúc và cảnh quan phù hợp với môi trường sinh thái - Q. Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết.
Sẽ có những khu giải trí ban đêm dọc bờ biển trên bán đảo Sơn Trà
Ông Trung nhấn mạnh, cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Từng bước mở rộng, xây dựng và nâng cấp các tuyến đường thành những dải lụa ven chân bán đảo lên đến đỉnh bán đảo kết hợp với chỉnh trang đô thị, ngầm hoá các kỹ thuật hạ tầng, xây dựng các bãi đậu xe, hệ thống giao thông ngầm. Chú trọng phát triển giao thông công cộng lên đảo để phục vụ du khách.
Thậm chí đã có nhiều ý kiến để xuất tạo ra một điểm đến thu hút trên đỉnh núi, hé lộ những góc nhìn tuyệt đẹp về thành phố và ra biển với việc thiết lập một điểm vọng cảnh rộng lớn nhìn về thành phố thông qua hệ thống cáp treo chạy xuyên qua một thung lũng bắt đầu từ bờ phía Nam.
Dương Hằng Nga (Giao thông vận tải)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.