CafeLand - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2357/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới điều chỉnh quy hoạch của thành phố Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện Hòa Vang, Hoàng Sa với tổng diện tích 128.543 ha. Trong đó diện tích phần đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha

Cơ cấu sử dụng đất đô thị đến năm 2020 là 20.010 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659 ha. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 37.500 ha, trong đó đất dân dụng là 15.500 ha.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, Thành phố Đà Nẵng được phân làm 7 phân vùng gồm:

Khu vực đô thị cũ: Có diện tích khoảng 3.264 ha, bao gồm các phường: Vĩnh Trung, Thạc Gián, Tân Chính, Chính Gián, Hòa Khê cùng các phường Hải Châu I, Hải Châu II, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hoà Thuận, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Hoà Cường và phường Khuê Trung (thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ). Đây là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Đà Nẵng; các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung.

Khu ven biển Tây Bắc: Có diện tích khoảng 3.647 ha, bao gồm các phường: An Khê, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Tam Thuận, cùng các phường Hòa Minh, một phần phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam và Hòa Hiệp Nam (thuộc quận Thanh Khê, Liên Chiểu). Khu vực này phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, phát triển các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung mật độ trung bình.

Khu ven biển phía Đông: Có diện tích khoảng 3.331 ha, bao gồm các phường: An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Thọ Quang cùng các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải (thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn). Khu vực này có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng. Từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê.

Khu vực phía Tây: Có điện tích khoảng 13.606 ha, bao gồm các phường: Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (thuộc quận cẩm Lệ, Liên Chiểu), cùng một phần các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên và xã Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang. Khu vực này ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Khu vực bán đảo Sơn Trà: Có diện tích khoảng 4.439 ha, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà.

Khu vực phía Nam: Có diện tích khoảng 9.075 ha, bao gồm các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước huyện Hòa Vang và phường Hòa Quý, Hòa Xuân thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Khu vực này hình thành và phát triển đô thị gắn với bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử văn hoá, hình thành các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, nhà cổ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên mang nét làng quê truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo và thể dục thể thao cấp quốc gia.

Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Có điện tích khoảng 91.181 ha, bao gồm đất lâm nghiệp (rừng sản suất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn), rừng bảo tồn tự nhiên và Mi đảo. Khu vực đồi núi phía Tây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết các dòng chảy, bảo vệ các công trình hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn. Đây là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Huyện đảo Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

Theo đồ án quy hoạch, Thành phố Đà Nẵng còn có các trung tâm thương mại tài chính và trung tâm du lịch lớn gồm:

Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng có diện tích khoảng 130 ha được đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm, khu đô thị như: Xây dựng trung tâm thương mại phức hợp cấp quốc tế tại sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu); Khu phức hợp thương mại, văn phòng tại đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà); Xây dựng khu trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các trục đường Nguyễn Văn Linh, khu vực trung tâm phố cũ Hùng Vương, Lê Duẩn... (quận Hải Châu), Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Nâng cấp trung tâm thương mại chợ Hàn, chợ cồn. Bố trí quỹ đất và đầu tư phát triển hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa nội địa.

Trung tâm dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 3.700 ha, gồm có: Dịch vụ du lịch biển (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch) bố trí từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam, phát triển khu vực du lịch biển Xuân Thiều - mỏm Nam Ô - sông Trường Định - đèo Hải Vân; Du lịch sinh thái sông, hồ bố trí dọc các sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bố trí tại quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân. Du lịch di tích lịch sử tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Som, khu di tích K20, bảo tàng cổ Viện Chàm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải...

Về định hướng không gian phát triển công nghiệp, gồm các khu công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Liên Chiểu (370 ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh (423,5 ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với diện tích 124 ha; Khu công nghiệp Hoà Cầm (136,7 ha); Khu công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản Thọ Quang (77,3 ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23 ha).

Thành phố Đà Nẵng có phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam và phía Đông giáp Biển Đông.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.