12/07/2019 2:48 PM
CafeLand - Tuần qua, tạp chí Kiến trúc Việt Nam cùng Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng tổ chức tọa đàm chuyên môn về kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng nhằm tìm một số giải pháp phù hợp cho không gian kiến trúc ven biển, qua đó góp phần định hướng quy hoạch địa phương.

Bờ biển phía đông Đà Nẵng đã bị chắn mất tầm nhìn bởi các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây.

Tọa đàm thu hút nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cùng các nhà chuyên môn, nhà quản lý địa phương trước thực trạng đã và đang phát triển các công trình kiến trúc ven bờ biển Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn nhận sự kiện là một cơ hội tốt để giới chuyên môn có những đúc kết, nhìn nhận lại tình hình phát triển các công trình kiến trúc ven biển Đà Nẵng và các đô thị biển khác.

Qua những trao đổi này, giới chuyên môn định hình được hai xu hướng khác biệt rõ nét về quan niệm đầu tư, thiết kế kiến trúc và quy hoạch công trình cao tầng ven biển.

Đừng tạo nên những bức tường

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trong bài tham luận mở đầu của mình đã đề cập ngay một thực trạng lo ngại cho các đô thị biển Việt Nam: sát các bờ biển luôn là những công trình kiến trúc cao tầng đồ sộ, choán hết tầm nhìn ra biển của những công trình phía sau, tạo nên những “bức tường” án ngữ cơ hội tiếp cận không gian biển của người dân đô thị biển.

Đây được coi là thực trạng kiến trúc xây dựng một thời. Các dự án đầu tư ven biển, chủ yếu là công trình khách sạn, nghỉ dưỡng hay các công trình chính trị xã hội địa phương, luôn chọn tầm vóc quy mô đồ sộ để thể hiện.

Nhiều hệ thống khách sạn cũ, do các đơn vị quốc doanh đầu tư, đã từng là những công trình “view biển” độc đáo riêng có, qua đó trở ngại tầm nhìn cho mọi công trình phía sau.

Tiếp đến là thời kỳ bùng nổ bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Các đô thị biển miền Trung càng đặc biệt “ưa chuộng” những kiểu kiến trúc này. Hậu quả, dọc theo những bờ cát một thời xanh ngắt phi lao là những công trình cao tầng mọc lên, biến thành một bức tường kỳ vĩ che chắn tất cả.

Ông Nam Sơn gọi đó là thảm họa và đề nghị các kiến trúc sư hãy nhìn vào thực trạng đó để cùng lên tiếng cảnh tỉnh các địa phương, các nhà đầu tư đừng tạo nên những công trình mới, phá hủy cảnh quan thiên nhiên và làm xấu đi những đô thị biển tương lai.

Cùng quan điểm với ông Nam Sơn, các kiến trúc sư tham dự tọa đàm cũng thổ lộ những trăn trở trước vấn nạn các bờ biển bị xây lấn, che chắn vì các “đại công trình xứng tầm nhà đầu tư”. Những cao ốc ven biển có khi bất chấp cả quy định quy hoạch địa phương, liều lĩnh mọc lên, trở thành những vật cản tầm nhìn đô thị, tạo nên những sự vụ ồn ào, như công trình cao ốc mọc quá tầng ở Đà Nẵng của tập đoàn Mường Thanh…

Đường biển Trần Phú (Nha Trang) đã bị đánh giá là tạo một bức tường chắn nhìn biển.

Cần bám sát thực tiễn

Phản hồi lại góc nhìn trên, một số kiến trúc sư lại cho rằng, mọi yêu cầu phát triển đều phải gắn liền thực tiễn. Nếu chỉ dựa vào chuyên môn và đưa ra những tầm nhìn xa, không gắn với thực tế cuộc sống để phân định rõ các chu kỳ đầu tư đô thị, những ý tưởng quy hoạch, đề xuất kiến trúc quy mô biết đâu lại biến thành hão huyền, “không trung lâu các” (xây nhà trên trời).

Kiến trúc sư Nguyễn Luận (Hà Nội) chất vấn, nhiều người đưa ý tưởng cần tạo không gian nhìn biển rộng hơn và xa hơn, bằng cách “cơi nới” các cao ốc từ sát bờ biển lùi vào trong lòng đô thị, nhưng liệu có khả thi? Bởi lẽ ai cũng biết, giá trị đất đầu tư xa biển, giữa đô thị chật hẹp sẽ thấp. Không nhà đầu tư nào lại xây cao ốc tốn tiền trên mảnh đất rẻ tiền cả.

Bản thân người dân địa phương, khi sở hữu những lô đất nền trong đô thị, ở xa bờ biển, lại không hề có nhu cầu ngắm biển, và không bao giờ đủ năng lực tài chính để xây dựng cao ốc vươn lên cao, từ đó có thể “view biển”. Cho nên, ước mơ đẩy quy hoạch nhà cao tầng lùi khỏi bờ biển để tạo một tầm nhìn rộng mở cho đô thị là hấp dẫn nhưng chưa chắc thực tế.

Hơn nữa, không phải bờ biển nào cũng từ chối nhà cao tầng hay bờ biển chỉ thuần những công trình thấp tầng mới gọi là bảo vệ cảnh quan. Cần có sự phối hợp hài hòa giữa những công trình với nhau, tạo nên những điểm nhấn liên tục, ấn tượng cho tầm nhìn biển, mới làm nên giá trị đô thị biển.

“Giá trị thẩm mỹ của các đô thị ven biển được đánh giá ở cảnh quan của dải đất ven biển. Dải đất này càng rộng thì càng có nhiều khả năng sáng tạo cảnh quan có giá trị cao. Đường dạo ven biển không chỉ là con đường để đi dạo, mà là tổ hợp cảnh quan”, ông Nguyễn Luận phân tích như vậy.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch kiến trúc Đà Nẵng, đề xuất để định hình không gian kiến trúc đô thị ven biển xứng tầm, cần điều hòa và phát triển cân bằng lợi ích của hai thành phần hưởng thụ là người dân sở tại lâu đời, và du khách, nhà đầu tư.

Người dân luôn có nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên đơn giản, trong khi du khách đòi hỏi sự trải nghiệm “đẳng cấp” hơn. Nên quy hoạch kiến trúc ven biển phải suy xét hợp lý từng ngữ cảnh và thực tiễn cụ thể.

Theo ông Loan, không thể miễn cưỡng buộc dân cư bao đời mất đi tầm nhìn biển khi các cao ốc nghỉ dưỡng mọc lên san sát để phục vụ du khách, nhưng cũng không thể vì lý do bảo toàn cảnh biển cho người dân mà bỏ qua nhu cầu trải nghiệm biển qua lăng kính du khách.

Khi thực tiễn người dân còn bị hạn chế về đời sống hưởng thụ, thì những yêu cầu quy hoạch kiến trúc sao cho thể hiện tầm nhìn nhiều năm sau sẽ là một thách thức vô lý trong công tác quản lý đầu tư đô thị biển.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.