Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của các ông Đặng Văn Tranh, Phạm Văn Duy cùng một số người dân ở xã Đông Hợp (Đông Hưng - Thái Bình) phản ánh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) thuộc Dự án Khu đô thị Tây Quốc lộ 10 không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

DA KĐT Tây Quốc lộ 10 Đông Hưng - Thái Bình: Thu hồi đất của dân bán cho doanh nghiệp?

Mặc dì người dân chưa bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công đã tiến hành san lấp, gây ảnh hưởng đến đời sống bà con.


Chưa bàn giao đã san lấp mặt bằng


Trong phương án BT, GPMB, mặc dù đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng Ban GPMB vẫn không quy hoạch diện tích 5% đất tái định cư cho người dân, giá đền bù thấp hơn nhiều so với thực tế và cứ một thời gian lại được điều chỉnh, chính quyền địa phương luôn ép người dân bàn giao mặt bằng mà không trả lời, giải thích rõ chính sách... Thậm chí, trong khi người dân chưa bàn giao mặt bằng, các đơn vị thi công đã được UBND huyện chỉ định vào san lấp mặt bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.


Bà Phạm Thị Sửa ở thôn Phong Lôi Đông nói: "Gia đình tôi có 1.112m2 đất ruộng nằm trong dự án, mặc dù gia đình chưa đồng ý với phương án bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng nhưng ruộng nhà tôi đã bị đơn vị thi công vào san lấp và đắp thành đường đi".


Ông Đặng Văn Tranh ở thôn Phong Lôi Tây cho biết: "Gia đình tôi có 1.556m2 đất hai lúa nằm trong dự án. Chúng tôi chỉ yêu cầu được gặp nhà thầu và các doanh nghiệp đầu tư vốn để thỏa thuận giá cả đền bù, đảm bảo đúng quyền lợi được hưởng, thế nhưng, mọi kiến nghị đã không được Ban BT, GPMB đồng ý. Ban BT, GPMB huyện đã không xem xét 5% đất tái định cư trong khu vực thu hồi cho chúng tôi là không đúng với quy định của pháp luật".


Theo phản ánh của người dân, đến nay vẫn còn 23 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng, nhưng các đơn vị thi công đã tiến hành phá hủy trạm bơm, cắt điện, san lấp mương nước và hệ thống thủy lợi khiến người dân không thể canh tác. Nhiều hộ có toàn bộ số ruộng nằm trong khu dự án nên 3 năm nay không có đất sản xuất, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.


Tái định cư bằng tiền đền bù?


Mặc dù những kiến nghị của người dân không được đáp ứng, nhưng Ban BT, GPMB huyện Đông Hưng đã 5 lần tăng giá đền bù. Ông Tranh cho biết: "Ban đầu chúng tôi được áp giá với mức 90.000 đồng/m2, sau 5 lần điều chỉnh hiện đã tăng lên 140.000 đồng/m2 mà chẳng thấy ai nói gì, khiến chúng tôi hết sức hoang mang".


Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đông Hợp, Phó trưởng ban BT, GPMB dự án lại tỏ ra khá mơ hồ về các chính sách áp dụng trong công tác BT, GPMB tại đây. "Trong việc thực hiện dự án này, người dân không được thỏa thuận giá với nhà đầu tư vì đây là dự án do UBND tỉnh quy định mức đền bù. Nhưng nếu nói người dân có được thỏa thuận thì cũng đúng vì sau khi họ có kiến nghị, ngoài việc đảm bảo mức đền bù theo quy định, các doanh nghiệp đã hỗ trợ thêm cho người dân nên mới có chuyện tăng giá đền bù như vậy. Dự án không dành đất tái định cư, vừa qua người dân mới kiến nghị đòi phần đất này và đã được cộng thêm vào giá đền bù đất", ông Đức nói.


Ông Đức cũng cho biết thêm, dự án được triển khai từ năm 2005, nhưng đến năm 2009, Ban BT, GPMB mới tiến hành phát phiếu lấy ý kiến của người dân. Đến cuối năm 2010, người dân mới kiến nghị về 5% đất tái định cư nên khi đó mới được Ban BT, GPMB xem xét.


Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh thanh tra huyện Đông Hưng, Trưởng ban Quản lý dự án khẳng định: "Đây là dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư nên thực hiện theo đúng các quy định, do vậy người dân không được thỏa thuận về giá đền bù. Thế nhưng, do Nhà nước không chi kinh phí ngân sách triển khai nên chúng tôi phải kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn đầu tư thực hiện. Nói chính xác là huyện dùng quyền thu hồi đất để bán cho doanh nghiệp nhằm thực hiện dự án và sẽ không có đất tái định cư vì khi chúng tôi nâng giá đền bù là đã bao gồm cả phần tiền tái định cư cho bà con".


Đây là dự án có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sớm kiểm tra, rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo Văn Thương (KTNT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.