14/07/2011 2:22 PM
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt ít nhiều đã tác động đến giới BĐS. Tuy nhiên, liệu có cú sốc nào từ thông tin này?

Với quy hoạch này thì phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ gắn liền với giải quyết ách tắc giao thông; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm...


Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành xây dựng các quốc lộ và cao tốc hướng tâm, vành đai giao thông đô thị 2 và 3 (kể cả đường trên cao), xây dựng các vành đai giao thông liên vùng (vành đai 4 và 5).




Giao thông thành phố được mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục chính đô thị nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội, kết nối trung tâm Thủ đô với các khu đô thị mới, các trục của khu vực phía Tây thành phố.


Theo bản quy hoạch này, về tổ chức không gian đô thị, với định hướng chung là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn.


Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.


Các đô thị vệ tinh sẽ là: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở...


Nhận xét về Quy hoạch Hà Nội mới được phê duyệt, ông Nguyễn Mạnh Huy (Trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường) cho rằng: "Bản quy hoạch này vẫn theo định hướng chung của hơn 1 năm vừa qua, nên không có yếu tố bất ngờ, tạo nên sự đột biến đối với thị trường bất động sản. Nhưng nó được coi như sự hỗ trợ, làm cho mọi thứ trở nên cụ thể, rõ ràng hơn. Trước đây, cả chủ đầu tư lẫn thị trường đều mù mờ thông tin, chủ yếu dựa trên những đánh giá mang tính giả định".


Ông Vũ Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Cty đầu tư địa ốc Đông Dương cũng cho rằng bản quy hoạch này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản như Quy hoạch mở rộng Hà Nội. Các trục kinh tế phát triển kinh tế xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, hình thành các khu đô thị vệ tinh thì cơ bản đã được hình thành từ khi có Quy hoạch mở rộng Hà Nội và không nằm ngoài phán đoán của các nhà đầu tư bất động sản.


Theo ông Linh thì thời gian tới, giá đất khu vực phía Tây có khả năng giữ giá hoặc tăng hơn so với các khu vực khác.


Phía Tây sẽ ăn theo “trục Bắc-Nam”


Theo ông Huy thì các trục giao thông của Hà Nội cơ bản đã định hình từ trước, chỉ có một trục mới đang rất được chú ý đó là đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc-Nam (tạm gọi là trục Bắc - Nam).


Mới đây, tinh thần trong đồ án quy hoạch vẫn có nhưng nó còn phụ thuộc vào việc cân đối dự án đô thị đối ứng. Quy mô dự án này tương đối lớn, nối từ điểm đầu đến cuối tỉnh Hà Tây (cũ), dài 63 km do chính Tập đoàn Nam Cường đảm nhận.


Dự án này trước đây đã được triển khai (giải phóng mặt bằng được 7 km), chủ đầu tư đã đầu tư 1000 tỷ đồng nhưng do có Quy hoạch Thủ đô nên dự án phải dừng lại để xem xét trong phạm vi vành đai xanh và đường trục quy hoạch. Nếu dự án đó tiếp tục đi vào triển khai hạ tầng thì cả một vùng phía Tây sẽ được liên thông, kéo theo dự án phát triển kinh tế, đô thị khá sôi động ở khu vực này.


Đường 63 km này sẽ nối liền với một loạt con đường như quốc lộ 32, Láng Hòa Lạc, quốc lộ 21, quốc lộ 6, đường Pháp Vân- Cầu Giẽ. Một loạt khu đô thị sẽ ăn theo như Đô thị Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai với quy mô hàng trăm ha.


Mặt khác, trước đây, các xe chuyển từ đường nọ sang đường kia, cứ phải đi vào thành phố nhưng nếu con đường 63 km hình thành thì sẽ không cần đi vào thành phố.


Xung quanh những thông tin đất ở Khu vực Đông Anh, Sóc Sơn tăng đột biến trong thời gian gần đây, ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó chỉ là sự sốt ảo. Hiện tượng tăng giá này không phải xảy ra ở tất cả các xã trong huyện mà chỉ một số lô đất nhất định.


Ông Thiện cũng khẳng định, chưa thấy việc sốt đất ở Đông Anh hay Sóc Sơn giống như đã xảy ra ở Ba Vì. Bởi sau bài học nhiều nhà đầu tư sống dở chết dở khi ôm đất ở Ba Vì, tâm lý của các nhà đầu tư cũng trở nên cẩn trọng hơn trước những mánh khóe tung tin của cò đất.


"Bản quy hoạch ra đời ở thời điểm này, chủ yếu có tác động, định hướng về mặt vĩ mô đối với phát triển hạ tầng đô thị. Còn quyết định đến việc trầm hay lắng của bất động sản hiện nay không phải là bản quy hoạch mà là chính sách tín dụng. Bản quy hoạch không có điểm nhấn nào có thể tạo ra một cú sốc tương tự như dự định chuyển các cơ quan đầu não của Hà Nội về Ba Vì, tạo nên cơn sốt ảo chưa từng có ở khu vực này vào cuối năm 2010. Theo đánh giá chung thì hướng Tây vẫn là hướng đẹp, phát triển sôi động nhất" - Một chuyên gia BĐS nhận định.
Theo Minh Lý (Nguoiduatin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.