Không thay đổi thường xuyên chính sách
Tommy Osterberg (chuyên gia thuộc cơ quan quản lý đất đai Thụy Điển) từng có 24 năm làm chuyên gia cố vấn về soạn thảo và sửa luật Đất đai ở Việt Nam. Ông đã có nhiều chia sẻ xung quanh chính sách về giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất. Hội thảo (thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO).
Theo ông Tommy Osterberg, chí khi nào người dân được cung cấp và được tiếp cận với các thông tin về đất đai một cách rõ ràng, công khai và minh bạch thì khi đó chuyện nhũng nhiễu chính sách mới giảm.
Các chuyên gia thảo luận trong giờ giải lao. Ảnh: Lê Nhung |
Bên cạnh đó, khi sửa Luật đất đai, ban soạn thảo cần tính đến quy trình, cách thức để người dân được tham gia vào các khâu trong thực hiện chính sách. Và điểm quan trọng là phải xem xét để hạn chế tác động và ảnh hưởng cá nhân của những công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý đất đai. Họ chính là những người nắm rõ thông tin về quy hoạch đất đai và cũng chính là người đưa ra những quyết định trực tiếp về giao đất, cho thuê đất…
Sau khi chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia Thụy Điển đưa ra khuyến nghị, chính sách về đất đai nên có tính bền vững, không nên thay đổi thường xuyên. Ngoài ra, khung pháp lý cần rõ ràng, đơn giản, thiết lập các quyền và quy định cơ bản nhất.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng thừa nhận, đất đai là lĩnh vực còn dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Do đó, đây vẫn là một nguồn lực lớn chưa được khai thác. Chính sách pháp luật chưa hoàn thiện còn là nguyên nhân gây ra lãng phí, khiếu kiện kéo dài.
Chưa có cơ chế giám sát giá
Đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe kinh nghiệm quốc tế về nhiều vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất…
Ông Chun Soon-Ho (chuyên gia Hội thẩm định giá Hàn Quốc) cũng chia sẻ một số bài học trong xây dựng hệ thống định giá của xứ sở kim chi. Theo đó, Hàn Quốc xây dựng hệ thống định giá đặc biệt dành cho các loại đất đặc biệt (sân golf, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí…).
Theo đánh giá của Tổng cục Đất đai, vấn đề định giá đất ở Việt Nam còn nhiều tồn tại cần sửa đổi. Hiện, vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất nên hiện nhiều địa phương còn quyết định giá đất thấp để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, để giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi.
Trong khi đó, nguyên tắc định giá hiện nay chưa định lượng được thế nào là “sát giá thị trường”. Vì vậy, đa phần không theo kịp biến động giá. Nhiều nơi giá nhà nước chỉ bằng 20% giá thị trường, đặc biệt là ở các đô thị lớn... Những bất cập này cũng là đầu mối dẫn tới hàng loạt bất cập khác trong đền bù, bồi thường cho người dân.
Hiện nhà nước vẫn chưa có cơ quan định giá chuyên nghiệp mà chủ yếu theo cơ chế hội đồng liên ngành. Chưa có hệ thống quản lý, theo dõi, cập nhật giá đất trên thị trường. Số lượng các tổ chức tư vấn giá đất vẫn còn ít. Năng lực định giá còn hạn chế nên việc xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Dự thảo sửa đổi đã đưa ra một số điểm mới về nguyên tắc xác định giá cũng như việc bãi bỏ quy định công bố bảng giá đất mới hàng năm ở các tỉnh thành. Tuy nhiên những nội dung này vẫn đang tiếp tục được thảo luận.