Nếu các chủ đầu tư dự án được cấp đất sạch và có hạ tầng như Bình Dương thì nhà ở xã hội mới có cơ sở để phát triển. Đó cũng là câu trả lời khi Becamex xây được nhà 30 m2 với giá từ 90 - 120 triệu đồng/căn. Hiện Bình Dương được xem là mô hình thí điểm thành công về chương trình nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, người khởi xướng căn hộ 25 m2 khẳng định: “Nếu được cơ chế như Bình Dương, ngay tại TP. HCM cũng có thể xây căn hộ 30 m2 với giá tương tự. Nếu không, chỉ cần được giao đất sạch và miễn tiền thuế sử dụng đất, các DN bất động sản tại TP. HCM cũng có thể xây dựng căn hộ giá từ 7 - 10 triệu đồng/m2. Căn hộ giá 7 triệu đồng/m2 sẽ dành cho người thu nhập thấp và căn hộ giá 10 triệu đồng/m2 sẽ được chào bán cạnh tranh trên thị trường”.
Để có nhà giá thấp, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng: “Chính sách ưu đãi thông thoáng và tạo điều kiện như Bình Dương thì chỉ có nhà đầu tư bất động sản tại khu vực này được hưởng. Trong khi đó, để hỗ trợ phát triển phân khúc này một cách toàn diện, Nhà nước cần mạnh dạn giảm thuế VAT cho các sản phẩm nhà có giá trung bình trở xuống, giảm tiền đất, giảm các thủ tục thì giá thành nhà giá thấp sẽ có cơ hạ mạnh. Bên cạnh đó, cần ưu đãi cho người mua nhà được vay với lãi suất thấp khoảng 7 - 8%/năm. Với những chính sách này, DN vẫn xây được nhà giá thấp ngay trong lúc thị trường bất động sản đóng băng”.
Về phía các địa phương, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Từ trước đến nay, nếu phát triển nhà ở xã hội mà chỉ trông chờ vào ngân sách thì sẽ không thể làm được. Quỹ phát triển nhà của Đồng Nai chỉ còn trên 100 tỷ đồng, nếu đổ vào nhà ở xã hội, sẽ chẳng khác nào muối bỏ biển. Vì thế, Đồng Nai đã và sẽ tạo cơ chế tốt nhất để phát triển nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn”.
Ông Thái cũng cho biết, DN đề xuất lấy 20% quỹ đất trong các dự án công nghiệp để làm nhà ở xã hội, hoặc cho phép sử dụng số tiền quy đổi từ quỹ đất này. Đồng Nai đồng ý vì đằng nào tỉnh cũng phải tìm đơn vị để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, cái chính là quản lý thế nào để nhà đến được với công nhân chứ không phải tạo ra nhà giá thấp để “mua đi bán lại”, bởi đã có chênh lệch đương nhiên sẽ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng nhà ở xã hội đã xây rồi không có người mua, không có người thuê như một số địa phương đã mắc.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đích danh 2 đơn vị chủ lực của Bộ tại phía Nam là HUD và IDICO triển khai xây dựng nhà ở công nhân tại địa bàn.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tại phía Nam, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp chỉ tập trung ở một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM… Theo đó, địa phương sẽ cung cấp đất sạch, DN tự đầu tư và tính toán mức giá cho phù hợp. Trước mắt, IDICO sẽ triển khai lập dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 trên diện tích 10 héc-ta và HUD là 36,51 héc-ta.
Ông Trần Văn Thành, Phó tổng giám đốc HUD cho biết, hiện DN đang làm thủ tục và lập quy hoạch, sau đó mới tính toán đến phương án xây dựng và giá cả. Đến năm 2013 thì mới công bố con số cụ thể. Còn theo ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc IDICO, nếu dự án nhà ở công nhân được Nhà nước miễn tiền sử dụng đất và có những chính sách hỗ trợ khác, thì giá 1 căn hộ 30 m2 thấp nhất khoảng 120 triệu đồng và cao nhất khoảng 270 triệu đồng. Các khu nhà sẽ có đầy đủ tiện ích hạ tầng như nhà trẻ, chợ, công viên, trường học...
Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, để tạo sức cầu cho nhà ở xã hội thì ưu đãi vốn vay cho công nhân cần có chính sách cụ thể. “Tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch hạ tầng tương đối tốt. Tuy nhiên, theo quy định chứng minh thu nhập của ngân hàng thì công nhân với mức thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/tháng rất khó vay số tiền lên đến cả trăm triệu đồng để mua nhà”, ông Đạt nói.