Người dân đang làm thủ tục nhà đất tại một phòng công chứng tại TPHCM. Ảnh: Lê Minh Khuê
Từ ngày 1-8 tới, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện mô hình một cấp trong việc đăng ký quyền sử dụng đất. Với mô hình này, tất cả các phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc huyện, thị trấn sẽ được chuyển về trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và người dân Đồng Nai có thể đăng ký quyền sử dụng đất tại bất kỳ phòng đăng ký nào trong tỉnh.
Đồng Nai là một trong bốn tỉnh, thành phố đầu tiên thí điểm mô hình này, theo Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4/2012, gồm Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai.
Mục tiêu của đề án là xây dựng mô hình văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo cơ chế ‘một cửa’ nhằm đơn giản thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; đồng thời khắc phục những hạn chế của hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay.
Với mô hinh này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có các chi nhánh trực thuộc phụ trách theo phạm vi địa bàn quận, huyện, thành phố trong tỉnh. Các chi nhánh này được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ văn phòng đăng ký trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường của các thành phố, thị xã và huyện.
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết viêc gom về một cấp sẽ xây dựng tính thống nhất về quản lý hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, giúp cho công việc quản lý đuợc tốt hơn. Đây là một bước tiến tới mô hình quản lý như các nước trên thế giới đang làm.
Ông Hưng cho biết việc chuyển đổi không gây xáo trộn khi mọi việc vẫn được thực hiện theo thẩm quyền như hiện nay. Các chi nhánh thực hiện thủ tục đăng ký, hoàn chỉnh hồ sơ rồi chuyển qua Phòng Tài nguyên- Môi trường của huyện thẩm định, sau đó sẽ trình UBND huyện ký giấy.
Trong bốn địa phương thí điểm mô hình này, riêng thành phố Đà Nẵng thì thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, không phân xuống cho cấp nhỏ hơn.
Ông Hưng cho biết, với mô hình mới này người dân sẽ đỡ mất thời gian hơn trong việc xin cấp giấy chứng nhận và có thể nộp hồ sơ bất kỳ tại chi nhánh nào gần nhất với họ.
Chẳng hạn, một người có đất ở Long Thành nhưng đang sinh sống tại thành phố Biên Hòa cũng có thể nộp tại Biên Hòa, bởi ở đó cũng có chi nhánh văn phòng cấp tỉnh. Việc luân chuyển hồ sơ sẽ được thực hiện trong nội bộ hệ thống thông qua đường truyền nối từ các chi nhánh tới tỉnh.
Ngoài ra, mô hình này cho phép cấp quản lý bên trên có thể kiểm soát các họat động của các văn phòng đăng ký của mình, theo dõi công việc tiếp nhận hồ sơ của các cấp bên dưới, giúp tránh tình trạng kéo dài không giải quyết hồ sơ của dân.
Theo kế hoạch, đề án án thí điểm mô hình văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp này sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2013.