Ngay cả trước khi tình hình lạm phát mới có dấu hiệu dịu đi (thực ra là vẫn tăng lên, nhưng với tốc độ chậm hơn), đã xuất hiện nhiều đề nghị nới chính sách tiền tệ để hạ lãi suất. Theo Ts PHAN MINH NGỌC, PHÓ GIÁM ĐỐC NGHIÊN CỨU DOANH NGHIỆP CỦA NGÂN HÀNG SUMITOMO MITSUI CHI NHÁNANH SINGAPORE, nếu cố hạ lãi suất trong khi lạm phát vẫn cao và có khả năng tiếp tục tăng thì các doanh nghiệp và nền kinh tế rất có thể không gặt hái được lợi lộc gì.

Có nên nới lỏng chính sách tiền tệ không?

Nguồn: sanot


Lãi suất cao có nhất thiết dẫn đến đổ vỡ trong nền kinh tế không, thưa ông?


Không nhất thiết! Lãi suất cao chỉ gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế và buộc hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản khi và chỉ khi doanh nghiệp không được tăng/tăng được giá bản sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều này dễ thấy là không hề xảy ra trên thực tế, và vì thế mới có lạm phát và lạm phát mới có xu hướng tăng! Ngay đến cả hàng bình ổn giá mà người ta cũng còn đòi được tăng giá và đã được cho phép tăng giá trên thực tế cơ mà?


Vậy những ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay hiện đã lên trên 20% trong khi lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp không quá 20% nên càng sản xuất càng lỗ, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên được hiểu như thế nào?


Những lý luận kiểu như vậy là ngụy biện hoặc thiếu kiến thức kinh tế. Đại đa số doanh nghiệp hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính. Họ chỉ có một đồng vốn nhưng đi vay ngân hàng hoặc phát hành chứng khoán, cổ phiếu để huy động thêm một hoặc nhiều hơn một đồng vốn khác. Trong khi đó, mức lợi nhuận mà người ta thường hay nhắc đến có thể chỉ là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên tổng doanh thu, chứ không phải là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên vốn chủ sở hữu/vốn tự có của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, thậm chí mức lợi nhuận ròng 10%-15% (chứ chưa nói đến mức 20%) tính trên tổng doanh thu (sau khi đã trừ tất cả các chi phí sản xuất, kinh doanh, bao gồm tiền lãi trả cho số vốn đi vay với lãi suất cao) cần phải hiểu là một mức lợi nhuận rất khả quan rồi. Nếu đọc bản báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết (ở nước ngoài cho khách quan) thì thấy rằng các công ty này có tỷ suất lợi nhuận ròng (tính trên doanh thu) trung bình chắc cũng chỉ loanh quanh con số này hoặc thậm chí thấp hơn nhiều.


Vẫn chưa hết, nếu xét đến tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên vốn sở hữu thì ngay cả nhiều doanh nghiệp đang kêu ca là khó khăn ở Việt Nam hiện nay chắc cũng không ít trong số họ có mức lợi nhuận thuộc hàng khủng. Tóm lại, cho dù lãi suất đi vay có là trên 20% chăng nữa thì cũng không hề đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi không đủ đề bù đắp tiền trả lãi vay. Nói cách khác, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe với lãi suất trên 20% hoặc hơn nữa.


Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu cố hạ lãi suất trong khi lạm phát vẫn cao và có khả năng tiếp tục tăng?


Các doanh nghiệp và nền kinh tế rất có thể không gặt hái được lợi lộc gì. Khi lạm phát ở mức cao thì giá cả mọi hàng hóa và dịch vụ đều ở mức cao và sẽ còn tăng lên vì kỳ vọng lạm phát. Lúc đó, giá cả các hàng hóa, dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng lên. Lãi suất là ngoại lệ khi nó đã có thể được hạ thấp đi. Nhưng như đã nói, tiền lãi trả cho vốn đi vay cũng chỉ là một trong số nhiều chi phí đầu vào chứ không phải là tất cả, do đó không thể kéo tụt tổng chi phí sản xuất kinh doanh xuống thấp hơn so với lúc chưa hạ lãi suất. Vì thế, mặc dù doanh nghiệp vẫn có khả năng tăng giá bán theo mức lạm phát hiện tại và kỳ vọng trong tương lai, nhưng rốt cuộc lợi nhuận ròng trên doanh thu hoặc vốn chủ sở hữu chưa chắc đã lớn hơn so với khi lãi suất được điều chỉnh theo mức lạm phát.


Nếu máy móc hoặc cố tình hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao thì có nghĩa là chúng ta và NHNN đã tự mình tước đi một công cụ chính trong công cuộc chống lạm phát, và, nguy hại hơn, sẽ càng làm tăng áp lực lạm phát theo cơ chế tự diễn tiến (lãi suất giảm, tiền thoát khỏi hệ thống ngân hàng càng nhiều hơn, vòng quay lưu thông tiền càng lớn hơn, giá cả/lạm phát càng tăng lên, NHNN càng phải in thêm tiền để thỏa mãn nhu cầu thanh khoản, vay vốn của các doanh nghiệp nói chung và khu vực kinh tế nhà nước nói riêng...), điều mà không một ai mong muốn phải trải qua.


Ở thời điểm hiện nay, khi thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt cần lưu ý những gì để đạt hiệu quả cao nhất?


Trong hoàn cảnh có lạm phát thì thi hành và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt là một lựa chọn chính sách truyền thống và hợp lý. Điều này càng phải được nhận thức rõ trong thời điểm hiện nay. Hỗ trợ cho chính sách tiền tệ thắt chặt là chính sách tài chính công cũng thắt chặt, như đang được thi hành (ít nhất là trên lý thuyết) ở Việt Nam hiện nay.


Nhưng quan trọng hơn là việc có thực thi được nguyên tắc độc lập của NHNN (với tư cách là một Ngân hàng Trung ương) độc lập hay không. Khi NHNN duy trì được tính độc lập cần thiết và thấy rằng sứ mệnh của mình lúc này là phải kiềm chế lạm phát thì lúc đó, cho dù có không thực hiện chính sách tài chính công thắt chặt thì áp lực lạm phát cũng bị suy giảm đi nhiều vì NHNN không còn phải phát hành tiền ra lưu thông nữa, và chính sách tiền tệ vì thế sẽ có nhiều khoảng trống để vận hành hơn và tức là việc kiềm chế lạm phát sẽ có hiệu quả hơn với cái giá phải trả ít hơn.


Xin cám ơn ông!

Theo Hồng Loan (ĐBND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.