Gần 10 năm trước, sự kiện dự án khách sạn SAS được xây dựng trên phần đất của Công viên Thống Nhất (Hà Nội) - một khu đất rộng hơn 1ha trước là sân bóng cho trẻ em vui chơi, đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Dự án đã bị buộc phải dừng vĩnh viễn và chuyển sang một địa điểm khác.
Ở thời điểm đó, nhiều khu vực đất công cộng, công viên vườn hoa đã bị chiếm dụng. Các nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch mà tôi tìm gặp đều chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu quy hoạch, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ sở khoa học trong việc xét duyệt nhiều dự án nên đã khiến nhiều khu vực đất đai bị chiếm dụng, bị trao vào tay không đúng đối tượng, bị sử dụng sai mục đích.
Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa phản ứng dữ dội trước đề xuất của một DN về việc hoán đổi không gian mặt nước của hồ Thành Công để làm khu tái định cư thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ. Ngay sau đó, Hà Nội đã bác đề xuất này.
Công viên Thống Nhất và hồ Thành Công chỉ là hai trường hợp “may mắn” thoát khỏi sự xâm phạm của con người nhằm chuyển mục đích sử dụng. Bởi lẽ, trong vòng 20 năm qua, hàng chục hồ của Hà Nội đã biến mất, nhường chỗ cho các khu đô thị mới với những tòa chung cư cao ngất.
Không chỉ có không gian mặt nước, 20 năm qua, nhiều khoanh đất công, những mặt tiền công sở, thậm chí cả những con đường, khu chợ bị “chuyển mục đích sử dụng” khi lọt vào tầm ngắm của những “ông chủ” có uy thế!?
Ở đây, mỗi trường hợp mỗi vẻ, nhưng tất cả đều nằm ở một điểm chung là: Một số cơ quan được giao quản lý một phần đất đai công cộng để phục vụ chung cho cộng đồng, sau đó, với sự “khéo léo” của các nhà đầu tư, một phần đất công cộng ấy đã được biến thành nhà hàng, khách sạn, chung cư… và cả những trung tâm thương mại hoành tráng, những khu đô thị lớn…
Bây giờ, đất đai trong các đô thị ngày càng có giá. Bởi thế, đối với những người đang tìm kiếm địa điểm còn trống để đặt các dự án xây dựng vì lợi nhuận của mình, những công viên dường như là những mảnh đất sinh lợi cuối cùng còn sót lại trong thành phố mà họ nhằm tới.
Nhưng, cắt đất công viên (hay hoán đổi diện tích cây xanh, mặt nước) để chuyển đổi mục đích sử dụng, là việc làm không phù hợp trong lúc chúng ta đang kêu gào thiếu nơi vui chơi, thiếu không gian công cộng. Nó đi ngược mong muốn xây dựng một môi trường sống ngày càng tốt hơn của cộng đồng; không những thế, còn là hành động xâm phạm vào hành lang bảo vệ an toàn của một công trình công cộng.
Cho đến nay, đất và các công trình công cộng ở Hà Nội và TP.HCM đều ít, nhỏ so với quy mô dân số. Cũng có nghĩa là phúc lợi xã hội cho người dân còn thấp, chưa kể đã bị xà xẻo khá nhiều. Nếu không có các chính sách tích cực, hoặc lãnh đạo các thành phố bị cuốn vào “phong trào xã hội hóa”, vì những lợi ích kinh tế trước mắt - thì các công trình công cộng sẽ còn bị những cuộc “chuyển mục đích sử dụng” làm thu hẹp hơn nữa.