Lại một lần nữa, Đà Nẵng đã “xé rào” trong lĩnh vực quản lý đô thị. Trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông do xe ben gây ra, Đà Nẵng đã cho lắp đặt biển hạn chế tốc độ xuống 40km/h tại một số tuyến đường, dù trái quy định của Bộ GTVT là… 60km/h. Thậm chí mới đây, Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu các địa phương "nhổ" hết các biển giới hạn tốc độ dưới 50km/h trong khu dân cư đô thị.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền TP Đà Nẵng có những quyết định sát với thực tiễn của cuộc sống nhưng lại trái với quy định từ Trung ương.

Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm, một “lỗ rào” to bị xé ở Đà Nẵng là trong quá trình thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng” nhằm thu hút các nhà đầu tư. Khi đấu thầu đất hai bên đường dự kiến xây dựng theo quy hoạch, Đà Nẵng đã áp dụng phương thưc thanh toán đầu kỳ với giá chiết khấu (giảm giá) 10%...

...Thực hiện phương thức này, Đà Nẵng đã “lách luật” so với quy định của Chính phủ về chiết khấu, gây thất thoát giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, lợi ích thực tế thu về lại lớn hơn nhiều, khi thu hút được một lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân khiến tăng trưởng GDP của Đà Nẵng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, giải pháp “xé rào” ấy cũng đem lại hiệu quả tài chính rõ rệt so với phương thức cũ (trả chậm 1 năm), với mức chênh lệch là hơn 287 tỷ đồng. Các nhà nghiên cứu phân tích, nếu Đà Nẵng áp dụng phương thức thanh toán chậm, không chiết khấu/giảm giá, theo quy định của Chính phủ sẽ làm cho GDP của TP giảm tương ứng mỗi năm 333,7 tỷ đồng (trong vòng 9 năm từ 2003 - 2011, tương ứng với 3.003 tỷ đồng).

Một vụ “xé rào” nữa ở Đà Nẵng liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị là “gom” chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch và kiến trúc vào Sở Xây dựng và có Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc nên quy hoạch của Đà Nẵng là quy hoạch tích hợp, không bị phân cấp, cắt khúc, thiếu đồng bộ như quy hoạch của TP.HCM và một số TP khác. Do đó, công tác quản lý đô thị của Đà Nẵng hiệu quả hơn, thời gian thực hiện thủ tục cho dự án xây dựng của DN ở Đà Nẵng thường nhanh hơn từ 4 - 5 lần so với tại TP.HCM và một số TP khác…

Nêu những ví dụ trên để thấy rằng, không phải cứ “xé rào” là điều xấu, vì đằng sau nó là ẩn chứa một sự sáng tạo, một lòng quả cảm và một tinh thần trách nhiệm cao với đời sống người dân của những “công bộc” đáng kính trọng.

Nguyễn Hoàng Linh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.