Những năm gần
đây, việc đầu tư cho xây dựng cơ bản vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong
tổng số vốn đầu tư, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng và phát triển
kinh tế. Hàng loạt công trình xây dựng (CTXD) mọc lên, mang lại diện mạo
mới cho các thành phố, các khu đô thị.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, vẫn có một số dự án, công trình chất lượng chưa bảo đảm, thậm chí vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Một số công trình do khâu giám sát thi công thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng công trình bị rút ruột, không thể đưa vào sử dụng. Nhiều công trình chưa đủ điều kiện về kết cấu, độ lún theo quy định đã thực hiện xây dựng, dẫn đến việc các công trình này nhanh xuống cấp, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Trong thực tế, chất lượng CTXD được đánh giá bởi các đặc tính cơ bản như: công năng, độ tiện dụng; tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật; tính thẩm mỹ; an toàn trong khai thác, sử dụng; tính kinh tế và đảm bảo về sự bền vững theo thời gian. Cùng với những đặc tính trên, chất lượng CTXD còn chứa đựng cả thông điệp về môi trường và sự gắn kết với những cơ sở hạ tầng liên quan khác.
Nguyên nhân của việc các CTXD chất lượng kém rất nhiều, tựu trung lại, có thể thấy một số nguyên nhân chủ yếu là: Công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn thiết kế chưa tốt, chưa đầy đủ, nên khi chuyển sang thiết kế phải khảo sát lại; Nhiều nhà thầu năng lực tài chính kém, công tác quản lý cũng như giám sát còn nhiều hạn chế; Quản lý Nhà nước lĩnh vực này đã có nhiều văn bản quy định, nhưng việc triển khai còn thiếu đồng bộ, chưa kiên quyết; Việc kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về quản lý chất lượng CTXD trong quá trình thi công còn gặp nhiều khó khăn, do một số chủ đầu tư không thiện chí hợp tác, đặc biệt là các công trình có nguồn vốn tư nhân; Những quy định chế tài xử lý vi phạm về quản lý chất lượng CTXD chưa mạnh, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa…
Để nâng cao chất lượng các CTXD là một việc vô cùng
quan trọng và cấp thiết. Tuy vậy, biện pháp chủ yếu vẫn là tăng cường
công tác quản lý chất lượng CTXD ở tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn
lập dự án đến xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và
cuối cùng là nghiệm thu, bàn giao công trình. Công tác lựa chọn nhà thầu
cũng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.
Nhà thầu được thực hiện ở nhiều hạng mục như khảo sát,
thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng và chứng nhận sự phù hợp của
công trình tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Quá
trình thi công, cần chú trọng tới công tác quản lý chất lượng vật liệu
xây dựng bởi những công trình kiên cố không thể được dựng lên từ những
vật liệu chất lượng kém.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, những
biện pháp trên cần triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ. Song, điều
quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý hoạt
động xây dựng nói chung và chất lượng CTXD nói riêng là phải tạo được
"cơ chế trách nhiệm" với các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa
phương.
Chỉ có vậy, các CTXD mới bền vững theo thời gian, tạo được thương hiệu cho các doanh nghiệp xây dựng và góp phần vào việc xử lý với những sai phạm được dứt điểm, kịp thời