Ngày 13/10, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ NN-PTNT về Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, tỉnh đang cho rà soát các rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh để chuyển đổi và sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 10/2017.
"Hiện Chi cục Kiểm lâm của tỉnh đang làm, khi nào xong sẽ trình các cấp có thẩm quyền. Có chuyển đổi được hay không tỉnh không thể quyết được mà phải trên cơ sở thẩm định của Bộ NN-PTNT chứ không thể làm tùy tiện", ông Lê Văn Dũng nói.
Rừng Núi Ngang chuyển đổi được hay không phải do Bộ NN-PTNT quyết định. Ảnh: NLĐ
Về thông tin tỉnh Vĩnh Phúc dự tính chuyển rừng phòng hộ Núi Ngang (huyện Tam Đảo) thành rừng sản xuất và theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo, Núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang quy mô hơn 100ha, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc nói rằng:
"Các nội dung về đất, như kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT tỉnh và UBND các địa phương, Sở NN-PTNT không nắm được. Ngành nông nghiệp chỉ làm nhiệm vụ về lâm nghiệp là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Còn việc chuyển đổi rừng phải tuân thủ theo tiêu chí trong Quyết định 845 của Bộ NN-PTNT, ví dụ phải xem xét vấn đề về độ cao, độ dốc, lượng mưa, hiện trạng sử đất và khu vực chuyển đổi...
Rừng ở Núi Ngang cũng vậy, đủ hay không đủ tiêu chuẩn chuyển đổi hiện nay tôi chưa nắm được vì chưa có kết quả. Các cơ quan chuyên môn đang tiến hành xem xét, rà soát theo yêu cầu của Bộ và các tiêu chí Bộ quy định, chưa có kết quả gì. Quyết định thế nào là do Bộ, Bộ đồng ý thì tỉnh mới được chuyển.", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Văn Dũng, vào thời điểm này, do mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước nên Nhà nước đưa ra văn bản đề nghị các địa phương rà soát rừng phòng hộ để chuyển đổi. Đây là rà soát trên toàn quốc chứ không phải riêng tỉnh nào, huyện nào. Trong tỉnh cũng không chỉ rà soát riêng một khu vực nào mà phải rà soát chung, sau đó đưa ra kết quả để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt trước đó, TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chỉ rõ, các tiêu chuẩn để chuyển từ rừng phòng hộ diện tích lớn phải công bố để toàn dân biết mà giám sát, biên bản của hội đồng nào, ai thẩm định?
"Theo quy định nếu muốn chuyển đất lâm nghiệp sang đất khác thì phải thông qua Hội đồng đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội. Việc này họ tự làm được, sau đó đánh giá chuyển đổi được thì nghiễm nhiên là hợp pháp.
Còn nếu hội đồng đánh giá lớn thuộc Bộ TN-MT chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì họ dùng các nhà khoa học ở các Bộ khác, còn ở tỉnh thì không nói ai cũng hiểu.
Có mấy yếu tố quan trọng để chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất đó là độ dốc, lượng mưa và mục tiêu phòng hộ cho việc gì, ví dụ đây là đầu nguồn nước, bao quanh hồ thủy điện, thủy lợi lớn.
Thế nhưng, trong các tiêu chí bên phía Vĩnh Phúc có đưa ra căn cứ theo quy định của Bộ NN-PTNT không có các yếu tố này.
Cụ thể chỉ nêu đến yếu tố là diện tích liền kề với rừng sản xuất; nơi thuận lợi để tổ chức sản xuất. Đối với diện tích nằm trọn trong khu vực phòng hộ đầu nguồn thì quy mô đất, rừng phòng hộ chuyển đổi có diện tích tối thiểu là 50 ha.
Không chuyển đổi diện tích liền kề các sông lớn, hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các đường giao thông quan trọng. Diện tích chuyển đổi: phải có phương án sử dụng đất, kế hoạch giao đất, cho thuê đất cụ thể, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 2016-2020.
Mà bản thân nó được coi là rừng phòng hộ bởi vì: thứ nhất là đất dốc nếu không có rừng phòng hộ thì bị xói mòn đất ven núi, gây xói mòn lớn; thứ hai, có nhiều mục tiêu phải bảo vệ, ví dụ hồ nước, sông suối, thành phố cần phải bảo vệ", TS Nguyễn Ngọc Lung phân tích.
TS Vũ Ngọc Thành - Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, đã là rừng phòng hộ thì không có quyền phá và nếu phá thì lý do chuyển có đúng hay không tất cả cần công khai, minh bạch.
"Mà điểm quan trọng nhất để được chuyển đổi là độ dốc tự nhiên đang cao lại thấp đi, lượng mưa đang lớn lại ít đi, đang có mục tiêu phòng hộ thì lại không có nữa. Nếu chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang loại rừng khác mà bảo không có tác dụng ảnh hưởng gì là vô lý.
Rừng phòng hộ diện tích ít như vậy mà chuyển đổi 80%, thì không còn ý nghĩa là rừng phòng hộ, gọi là rừng phòng hộ thì không còn ý nghĩa rừng phòng hộ, chưa kể lạm dụng chuyển đổi gần hết, nhưng thứ chuyển đổi đó chỉ là "đánh lận con đen", ông khẳng định.