Sau 10 năm thực hiện việc chuyển đổi chợ dân sinh thành Trung tâm thương mại (TTTM), hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư để biến những khu chợ truyền thống nhếch nhác thành những TTTM khang trang. Song trái với kỳ vọng ban đầu, hầu hết các TTTM đều trong cảnh "chết lâm sàng". Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng việc chuyển đổi các chợ dân sinh thành TTTM trong thời gian tới...

Nhọc nhằn chuyển đổi

Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, thành phố hiện có gần 500 chợ dân sinh, chưa kể hàng trăm siêu thị, TTTM lớn nhỏ. Tuy đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm hằng ngày của người dân, song sự tồn tại của các chợ dân sinh đang đặt ra hằng loạt vấn đề bức xúc về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Trước thực trạng đó, mô hình chợ - TTTM được xem là sự phát triển tất yếu của một đô thị hiện đại. Cần phải khẳng định, việc xây dựng chợ kết hợp với các hoạt động dịch vụ khác như TTTM, siêu thị, văn phòng cho thuê... trên địa bàn Hà Nội là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hoạt động thương mại theo hướng văn minh hiện đại. Sau 10 năm thực hiện, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng 6 công trình, đưa vào sử dụng 4 công trình gồm: Chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam - quận Hoàn Kiếm; chợ Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa; chợ Thanh Trì - huyện Thanh Trì. Tổng số tiền đầu tư để xây dựng 6 công trình chợ - TTTM này lên tới con số giật mình: 2.375 tỷ đồng; trong đó TTTM - chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) có số vốn đầu tư "khủng" nhất - 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, sự háo hức, kỳ vọng của cả giới đầu tư, các nhà quản lý và cả các tiểu thương đã rơi vào trạng thái "tụt dốc không phanh" bởi chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, các TTTM kết hợp chợ này đã nhanh chóng bị khách hàng quay lưng. Lượng khách hàng vào các TTTM - chợ ngày càng thưa thớt, số lượng tiểu thương bỏ chợ ngày một nhiều, một số khu chợ trong TTTM rơi vào cảnh "vườn không nhà trống".

Chợ Ngã Tư Sở.
Chợ Ngã Tư Sở.

Điều đáng nói là sau khi tiểu thương rời bỏ mô hình chợ - TTTM thì những chợ cóc có xu hướng "tái chiếm" mặt bằng ở những con đường, tuyến phố lân cận. Trong khi 100/100 hộ kinh doanh tại TTTM Ô Chợ Dừa đã nghỉ hoặc sang nhượng lại địa điểm kinh doanh thì toàn bộ mặt tiền TTTM này cũng chính thức biến thành chợ cóc khá sầm uất. Tương tự, một góc phố Lê Duẩn, phố Đình Ngang bên cạnh TTTM - chợ Cửa Nam và phố Nguyễn Văn Tố, Ngõ Trạm cạnh TTTM chợ Hàng Da cũng ngày càng thu hút số lượng không nhỏ các tiểu thương, người bán hàng rong quay lại "chiếm lĩnh" thị trường mà họ đã có thời gian dài mưu sinh...

Vì đâu nên nỗi?

Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội tháng 11-2013, Sở Công thương đã thẳng thắn lý giải về tình trạng ế ẩm, đìu hiu của các chợ - TTTM, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dù mô hình chợ - TTTM đã được thành phố chính thức triển khai từ năm 2004, song đến nay, mô hình mẫu công trình hỗn hợp chợ gắn với TTTM vẫn chưa có bất cứ một quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn nào từ phía cơ quan chuyên môn mà cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội. Bên cạnh đó, việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng TTTM, chợ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chính vì thiếu và yếu ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế nên mỗi chợ mang một kiểu dáng, kết cấu khác xa nhau. Trong khi chợ - TTTM Cửa Nam được xây dựng với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm thì chợ Hàng Da lại được thiết kế gồm 5 tầng nổi, 2 tầng hầm; riêng TTTM - chợ Mơ lại có quy mô xây dựng lên tới 25 tầng nổi, 3 tầng hầm... Do quy mô và thiết kế khác xa nhau nên mỗi mô hình chợ - TTTM lại được chủ đầu tư khai thác theo cách riêng. Có chợ dùng mặt bằng mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke, chợ khác lại đẩy mạnh cho thuê mặt bằng sử dụng làm văn phòng, thậm chí cho thuê nhà ở... Trong khi đó, phần lớn khu chợ truyền thống được chủ đầu tư dành rất ít sự quan tâm. Hầu hết sau chuyển đổi, chợ truyền thống được bố trí địa điểm kinh doanh ngay tại tầng hầm, tầng trệt của khu chợ - TTTM. Đây là điểm bất cập bởi thông thường người dân có thói quen mua sắm ngay trên xe, phần lớn ngại gửi xe trước khi vào chợ. Bên cạnh đó, một số dự án xây dựng chợ - TTTM trên nền chợ cũ có diện tích nhỏ, hẹp, khi đầu tư xây dựng, để tận dụng diện tích kinh doanh, chủ đầu tư đã thiết kế khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, xe máy lên xuống rất bất tiện, người dân ngại đưa xe xuống gửi nên không khuyến khích được người tiêu dùng vào tham quan, mua sắm. Đó là chưa kể, việc thực hiện các quy hoạch không đồng bộ, công trình chợ - TTTM hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng các công trình hạ tầng xung quanh chợ tiến độ hoàn thành không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm. Điển hình là mô hình chợ - TTTM Ô Chợ Dừa...

Một nguyên nhân khác cũng được các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết: Việc chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình TTTM kết hợp chợ không khác gì sự chuyển đổi mang tính nửa vời, trong khi cách quản lý vận hành một TTTM phải khác hẳn với cách vận hành một chợ truyền thống. Người dân muốn mua sắm hàng cao cấp thì sẽ chọn trung tâm thương mại cao cấp, nơi tập trung nhiều gian hàng "đồ hiệu". Còn nếu có nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu, phục vụ cuộc sống hằng ngày thì họ vẫn quen đến các chợ cóc, cửa hàng tạp hóa, vừa thuận tiện vừa có giá cả rất linh hoạt.

Một lý do nữa khiến các khu chợ kiểu mới của Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm là do chủ đầu tư đã vô tình triệt tiêu những "cái chung" của một khu chợ truyền thống. Thông thường, nét nổi bật của chợ truyền thống có tính đặc thù rất cao, các sạp hàng phải được bố trí phù hợp, đan xen nhau và tạo không gian "mở" với người tiêu dùng. Do đó, khi lợi ích của nhà đầu tư chưa được bảo đảm thì tất yếu không thể trông mong vào sự "ưu đãi" cho các tiểu thương. Thiếu sự gắn kết giữa chủ đầu tư và khách thuê nên mặc dù nhiều TTTM đã giảm giá thuê, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi... song các sạp hàng trống vẫn hoàn trống!

Hướng nào cho mô hình chợ - TTTM?

Trước những bất cập của mô hình chợ - TTTM, Sở Công thương đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện giải tỏa chợ cóc, tụ điểm kinh doanh trái phép khu vực xung quanh chợ để người dân vào chợ mua sắm, giúp cho hoạt động kinh doanh tại chợ đạt hiệu quả.

Với các dự án xây dựng chợ - TTTM đã được quận, huyện tổ chức đấu thầu, giao doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng chưa thực hiện, Sở kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện giãn tiến độ thực hiện dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức làm việc với hộ kinh doanh để bàn bạc thỏa thuận, bảo đảm quyền lợi của các hộ kinh doanh. Trong thời gian chưa xây dựng lại chợ, chủ đầu tư phải chủ động bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp chợ để chợ hoạt động ổn định, bảo đảm phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đối với công trình chưa khởi công, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện theo đúng thời gian cam kết và quy định của pháp luật. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn về phương án kiến trúc của mô hình thiết kế công trình hỗn hợp chợ - TTTM, văn phòng cho thuê tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.

Tại kỳ họp lần thứ tám HĐND TP Hà Nội khóa XIV, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về việc nên hay không tiếp tục triển khai mô hình chợ - TTTM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, trước tình trạng "vắng tanh vắng ngắt" của các chợ - TTTM, trước mắt, thành phố quyết định dừng việc chuyển các chợ dân sinh thành các TTTM. Bởi trong thời điểm hiện nay, hoạt động của các chợ dân sinh vẫn liên quan đến thói quen, điều kiện sinh hoạt, thu nhập của người dân. Đối với các chợ dân sinh kết hợp với TTTM, thành phố đã chỉ đạo tập trung tạo điều kiện cho chủ kinh doanh ra phía ngoài, gần gũi với người tiêu dùng, đồng thời từng bước xây dựng nếp sống văn minh thương mại.
Bảo Nga - Ngọc Thủy (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.