20/04/2013 10:28 PM
"Nếu chấp nhận được, tôi đề nghị phạt 100% luôn. Phạt 40 đến 50% chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy", tạo điều kiện cho sai phạm nối tiếp sai phạm" - đó là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh khi nhận xét về đề xuất "chủ đầu tư nộp 40%-50% giá trị của phần xây sai phép, không phép để được tồn tại công trình" của Bộ Xây dựng.

Phạt toàn bộ giá trị vi phạm

Ông đánh giá thế nào trước đề xuất cho phép chủ đầu tư được dùng 40 - 50% giá trị của phần sai phép, không phép để "chuộc" công trình sai phạm của Bộ Xây dựng?

Công bằng mà nói, đây là một ý tưởng hay. Để áp dụng trong thực tế cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều điểm. Hiện nay, việc xây dựng sai phép có muôn hình vạn trạng, hình thức khác nhau và tính chất cũng khác nhau. Để được nằm trong diện được "hợp thức hóa" công trình bắt buộc phải thỏa mãn rất nhiều yếu tố. Công trình có vượt quy hoạch hay không, có ảnh hưởng đến cảnh quan, công trình lân cận hay không, có xảy ra tranh chấp khiếu kiện hay không? Quan trọng nhất, công trình phải được xây dựng trên phần đất hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng. Nếu có sai phạm thì cũng chỉ là do sai thiết kế, chẳng hạn thay đổi block cao thành thấp hoặc ngược lại nhưng tổng cộng không vượt các chỉ tiêu của toàn dự án thì có thể áp dụng hình thức này để cho phép tồn tại. Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu đã phạt thì phải phạt 100%, tịch thu toàn bộ số tiền tương đương giá trị của phần sai phạm.

Như ông kiến nghị, nếu đã áp dụng phương pháp này thì phải phạt 100% giá trị phần sai phạm. Liệu việc này đã giải quyết tận gốc vấn đề, thưa ông?

Thử làm một phép tính đơn giản, sai phạm đem lợi cho chủ công trình 10 đồng, cơ quan chức năng chỉ phạt 5 đồng để họ được "chuộc lỗi" thì họ sẵn sàng sai phạm, thậm chí vỗ tay hoan hô việc xử phạt này. Ví dụ, căn hộ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2, chủ đầu tư sai phạm 200m2 thì nhân lên phạt luôn mức 4 tỷ đồng. Nghĩa là nếu phát hiện sai phạm thì không cho "chuộc" mà gần như tịch thu toàn bộ giá trị phần sai phạm đó. Giá trị ở đây cũng phải tính theo mức kinh doanh chứ không phải sử dụng. Ví dụ, giá thành xây dựng chỉ khoảng 5 đến 7 triệu đồng/m2, trong khi giá trị thương mại lên đến 20 triệu đồng/m2. Nếu phạt theo giá xây dựng tôi tin rằng người ta sẽ sẵn sàng thậm chí liều mình làm sai để được phạt, được hợp thức hóa. Còn phạt theo giá kinh doanh thì chẳng ai dại mà xây nhà sai phép, không phép.

Ông Nguyễn Văn Đực - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ý tưởng “tố cáo” sự yếu kém trong quản lý?

Ông đánh giá thế nào khi nhiều quan điểm cho rằng, việc cho phép dùng tiền "chuộc" công trình sai phạm sẽ vô hình trung tạo suy nghĩ "tiền có thể đổi được vi phạm" và cho thấy pháp luật không nghiêm?

Đúng vậy! Việc dùng tiền đổi vi phạm có thể sẽ tạo ra tâm lý cứ vi phạm, sẵn sàng vi phạm rồi dùng tiền "chuộc" lại. Tuy nhiên, như tôi đã nói, những công trình nằm trong diện xem xét bắt buộc phải thỏa mãn các yêu cầu kể trên. Nhiều khi việc cưỡng chế, tháo dỡ không phải là giải pháp tối ưu, vừa gây lãng phí xã hội vừa gây mâu thuẫn, thậm chí khiếu kiện kéo dài. Đôi khi, chủ đầu tư không phải cố tình vi phạm mà chỉ là cân đối để làm sao hợp lý hóa cho cả công trình. Điển hình như trường hợp công trình xây dựng sai phép tại dự án đảo Kim Cương (quận 2, TP.Hồ Chí Minh). Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện sáu tòa tháp của công trình trên xây dựng vượt tầng so với thiết kế. Tổng diện tích xây dựng sai phép gần 2.900m2. UBND TP. đã xử phạt và buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Tuy nhiên, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. HCM cho phép giữ nguyên hiện trạng công trình và chỉ đạo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 để làm cơ sở điều chỉnh thiết kế và dự án đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng khẳng định, hiện trạng cụm công trình sai phép trên phù hợp về mật độ xây dựng và quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Theo tôi nghĩ, phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể, không áp dụng duy nhất một biện pháp xử lý cho mọi trường hợp dù thoạt nhìn thì hành vi giống nhau.

Sẽ khó tránh khỏi cơ chế xin - cho trong câu chuyện dùng tiền hợp thức hóa công trình sai phép, không phép, thưa ông?

Quy định này có thể dẫn tới hậu quả một số người lợi dụng quy định đó để xây nhà sai phép, không phép, rồi bỏ ra 40-50% giá trị để "hợp thức hóa". Cũng khó tránh khỏi cơ chế xin - cho trong điều kiện hành chính của chúng ta hiện nay. "Xin" được hội đủ các điều kiện đã quy định ở trên để được hợp pháp hóa là điều có thể xảy ra trong điều kiện quy hoạch chưa rõ ràng như hiện nay. Với những khu vực chỉ mới có quy hoạch 1/2000 thì thông tin quy hoạch khó rõ ràng. Chỉ khi nào có quy hoạch chi tiết 1/500, mới biết được khu đất được xây thế nào, bên cạnh ra sao. Nhưng thực tế, tại TP.Hồ Chí Minh rất ít khu vực có quy hoạch chi tiết, do đó có thể làm phát sinh một dạng xin - cho khác.

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này đã vô tình "tố cáo" sự yếu kém trong quản lý của ngành xây dựng, theo kiểu không "xử" được thì "hợp thức hóa"?

Theo tôi, phải nhìn nhận một cách công bằng. Cái gì ngành xây dựng làm được thì ủng hộ, cái gì chưa làm được thì phải chỉ ra để tiếp thu. Đối với việc quản lý trật tự xây dựng tôi cho rằng thanh tra xây dựng chưa làm tròn vai, đặc biệt là cấp cơ sở. Không khó để nhận thấy tồn tại hiện tượng thanh tra xây dựng hoặc chính quyền "bảo kê" cho sai phạm, thậm chí ngó lơ để mặc sai phạm diễn ra. Dù số cán bộ Xây dựng bị "trảm" khá lớn song tình hình trật tự xây dựng vẫn nóng bỏng, số vụ vi phạm vẫn không ngừng tăng. Nếu sai phạm bị phát hiện ngay từ gốc thì chắc chắn sẽ không dẫn đến câu chuyện cưỡng chế, tháo dỡ hay dùng tiền để được "hợp thức hóa".

Xin cảm ơn ông!

Anh Đức - Minh Khánh (Người Đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.