Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP HCM mới đây đã bày tỏ lo ngại bờ sông Sài Gòn chỉ dành cho người giàu bởi hàng loạt các dự án bất động sản tỉ USD "bao phủ".
“Tôi thấy bờ sông Sài Gòn ở TP.HCM dường như là của một số người giàu, người có tiền chứ không phải là không gian công cộng, là mảng xanh, là công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân TP đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi" - LS. Nghĩa thẳng thắn.
Ông Nghĩa cũng nhắc tới tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng, đầu tư bất động sản diễn ra rõ như ban ngày nhưng cơ quan quản lý không nắm được là do tình trạng lợi ích nhóm.
LS. Nghĩa đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM làm rõ các dự án bất động sản được báo chí phản ảnh về tình trạng lấn sông trái phép, các vùng quy hoạch phục vụ mục đích công cộng của thành phố tới đâu, yêu cầu công khai để nhân dân nắm rõ và kiểm soát.
Vị ĐBQH cho rằng, cần phải làm rõ về quy hoạch đất tại TP.HCM cấp cho tư nhân, quy hoạch cho công cộng ra sao...
Dự án tỷ USD "quây" dòng sông Sài Gòn
Những lo ngại của vị ĐBQH đã được thực tế chứng minh.
Theo khảo sát của phóng viên, từ năm 2016, thị trường bất động sản TP HCM đã "nóng" lại hot hơn với sự xuất hiện của hàng loạt dự án ven sông.
Yếu tố view sông, hồ, kênh rạch là một tiêu chí thứ 2 để tạo nên giá trị của một bất động sản. Nó tạo nên một giá trị đẳng cấp khác của bất động sản khi tăng thêm ít nhất là 10- 20% giá trị.
Điều này khiến hàng loạt chủ đầu tư lớn nhỏ không ngừng chạy đua “săn” những quỹ đất ven sông để phát triển dự án.
Dự án ôm trọn một dải bờ sông Sài Gòn rộng lớn
Một số dự án bất động sản ở ven sông Sài Gòn trong vài năm qua khiến người dân ngưỡng mộ không chỉ ở độ xa hoa mà cả ở mức giá vô cùng đắt đỏ.
Thêm nữa là dự án án ngữ ở phía Nam Sài Gòn - R.C quận 7 với 3 mặt giáp sông
Một trong những ông chủ của ý tưởng biệt thự ven sông là PMH. Chủ đầu tư này đã có ý định xây dự án khu liên hợp thương mại nằm ở ven sông phục vụ cho cuộc sống và giải trí quy mô lớn nhất Việt Nam vào thời điểm năm 2008.
Một dự án khác của ông chủ này là Khu phức hợp trung tâm đô thị với tòa nhà chứa 309 căn hộ và 13 cửa hàng có cơ cấu từ 1- 4 phòng ngủ với diện tích từ 69 – 249m2. Dự kiến, mỗi căn có giá 5 - 8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, dự án biệt thự cao cấp ven sông Sài Gòn -Thảo Điền S. tại Quận 2 được cho là lấn ra sông trái phép. Dự án này có diện tích 27.018,4m2 gồm 30 căn biệt thự cao 3 tầng (không kể tầng lửng tại trệt và tầng hầm).
TPHCM xác nhận dự án này đã vi phạm hàng loạt các hạng mục công và vi phạm hành lang (khoảng lùi sông Sài Gòn và rạch Ông Hóa) lên tới 1.400m2.
Sau khi chủ đầu tư chây ỳ thực hiện tháo dỡ sai phạm thì TPHCM đã trực tiếp cưỡng chế.
Ông lớn bất động sản chia nhau hưởng lợi dọc sông Sài Gòn
Chủ đầu tư sau đó lại "xin được tồn tại" và nỗ lực cam kết trong xây dựng bờ kè sông Sài Gòn và rạch thoát nước. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã cho phép Thảo Điền S. được tự tổ chức quản lý và bảo trì công trình kè. Điều này đã đặt dấu hỏi về tình trạng tái lấn chiếm bờ sông của chủ đầu tư này.
Rõ ràng về bản chất, chủ đầu tư này vẫn được toàn quyền sử dụng phần hành lang ven sông 50m đó khi tự xây dựng, tự quản lý và bảo trì công trình (!)
Trong khi đó, trước các lùm xùm trong vi phạm, với các hình thức quảng cáo hấp dẫn và nhu cầu thực sự tăng cao, khách hàng vẫn không quay lưng với chủ đầu tư.
Việc mua bán trao sổ hồng các căn biệt thự lên tới cả chục tỷ đồng vẫn được diễn ra suôn sẻ.
Hiện tại, tính riêng dự án của chủ đầu tư này trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, khu vực được mệnh danh là sang trọng bậc nhất TP HCM, có 11 biệt thự ven sông, 6 biệt thự có hồ bơi và 12 biệt thự vườn. Mỗi căn có giá 45-100 tỷ đồng.
Cùng với hàng loạt các dự án đang và chuẩn bị xây dựng dọc sông Sài Gòn thời gian tới, các ông lớn bất động sản đang được trao quyền để tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM đặt mục tiêu năm 2017 sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không còn cảnh "gạo nấu thành cơm" mới vào cuộc xử lý.
Ông Tuấn nhận định, công tác quản lý khó khăn là bởi 2 nguyên nhân, gồm: địa bàn rộng nhưng lực lượng thanh tra mỏng không bao quát, ngăn chặn kịp hành vi của chủ đầu tư; không loại trừ phát sinh tiêu cực bằng cách đơn giản là làm lơ cho công trình thi công.