13/08/2014 10:22 AM
Ngày 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Vấn đề gây ra nhiều tranh chấp thời gian qua - sở hữu diện tích chung trong nhà chung cư, được nhiều thành viên UBVTQH đề cập.

Nhu cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội rất lớn trong khi nguồn cung còn hạn chế (Trong ảnh: Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội)

Làm rõ sở hữu chung - riêng

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh sửa dự luật theo hướng khẳng định rõ nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất trên tất cả các chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng chung cư trong thời gian tới.

Ghi nhận bức xúc của cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, tại nhiều khu chung cư, dân bỏ tiền mua căn hộ (trong đó đã có tiền đất phân bổ của diện tích chung) nhưng chủ đầu tư vẫn khăng khăng đó là diện tích họ được phép khai thác. Ông Ksor Phước cho rằng, dự luật phải làm rõ vấn đề này, không thể để tình trạng nhập nhằng, ảnh hưởng tới quyền lợi người mua nhà. Đồng tình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh tình trạng chủ đầu tư dự án chung cư lợi dụng quy định thiếu rõ ràng về sở hữu chung để kiếm lợi riêng. “Phải quy định thật chặt để không còn tình trạng sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng tới cộng đồng” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần rạch ròi phần diện tích sở hữu chung và riêng đối với chung cư. Theo đó, diện tích đã phân bổ vào giá bán căn hộ là sở hữu chung của cộng đồng dân cư. “Phần diện tích chủ đầu tư giữ lại để kinh doanh, bao gồm cả diện tích để xe thì phải trừ ra, không được tính vào tiền bán, nếu không sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong cộng đồng người dân ở chung cư. Bên cạnh đó, cũng phải hết sức chú trọng việc đảm bảo diện tích sử dụng chung cho sinh hoạt cộng đồng: chỗ chơi cho trẻ em, chỗ nghỉ ngơi luyện tập cho người già...” - bà Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Ngăn chặn phát triển nhà theo phong trào

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật về xây dựng thì mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ vào cấp công trình của chung cư đó (chẳng hạn, chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20-30 năm, chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50-100 năm…).

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, không phải mọi trường hợp chung cư khi hết niên hạn sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên là sẽ hết thời hạn được phép sử dụng, mà sau niên hạn này cơ quan chức năng sẽ phải tổ chức kiểm định lại chất lượng chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp. Tùy thuộc vào chất lượng của từng loại chung cư mà việc quyết định thời hạn được sử dụng tiếp sẽ dài, ngắn khác nhau. Ngoài ra, cũng có trường hợp thời hạn sử dụng chung cư ngắn hơn niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật xây dựng, bởi do tác động của thiên tai (như bão, lũ hoặc động đất…) làm cho chung cư bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ trước khi hết niên hạn. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn sử dụng chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ băn khoăn. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Phải có thời hạn và công khai thời hạn sử dụng của từng loại chung cư để tránh thiệt hại cho những người mua phải loại nhà sắp hết hạn sử dụng; đồng thời xác định trách nhiệm phá dỡ, đảm bảo an toàn cho người ở chung cư”.

Quan tâm đến quy định về chương trình phát triển nhà ở của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Chúng ta hiện đã có quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn. Vậy, thêm chương trình phát triển nhà ở thì có chồng chéo, có “đẻ” ra thêm thủ tục hành chính?”. Chủ tịch Quối hội cũng băn khoăn với việc lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội: “Quỹ đó có thực sự cần thiết? Tôi nghĩ chúng ta không nên bao cấp nửa chừng...”.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình thêm: “Quỹ phát triển nhà ở là học tập kinh nghiệm các nước. Quỹ này rất cần thiết để có nguồn tạo lập nhà ở xã hội. Còn chương trình phát triển nhà ở được xem như công cụ quản lý, hướng tới người có nhu cầu về nhà ở, tránh tình trạng phát triển nhà ở ồ ạt, tự phát, theo phong trào, không theo nhu cầu thực tế như thời gian vừa qua, gây khủng hoảng thừa, khiến hàng nghìn tỷ đồng “chôn” trong hàng tồn kho...”.

Ngọc Khánh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.