Khu vực phố cổ nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia từ năm 2004. Tại đây, có khoảng 1.000 ngôi nhà cổ, các phố nghề, nhiều công trình kiến trúc có giá trị, được xếp hạng cấp quốc gia...

Ðiều đáng lưu tâm là phố cổ là một di sản sống. Trong những công trình được xếp loại di sản đó, hằng ngày, người dân vẫn sinh sống, kinh doanh sôi động. Hiện nay, mật độ dân cư khu vực này được xếp vào loại đông nhất thế giới (84 nghìn người/km2). Diện tích nhà ở, tính theo đầu người là 2m2/người. Mật độ dân số đông phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Phía sau những cửa hàng mặt tiền hào nhoáng là những khu nhà xập xệ, lối đi nhỏ, sâu hun hút. Nhiều hộ gia đình với hàng chục nhân khẩu cùng sống chung trong một số nhà, sử dụng chung khu bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh... thiếu tiện nghi. Vì diện tích sinh hoạt quá chật chội, trong khi nhu cầu chỗ ở, nơi kinh doanh ngày càng tăng, cho nên nhiều gia đình phải cơi nới hoặc phá nhà cổ để xây nhà cao tầng hiện đại, gây nguy hiểm cho các hộ dân chung quanh và phá vỡ kiến trúc, cảnh quan phố cổ... Nếu cứ duy trì mật độ và tốc độ gia tăng dân số hiện nay, chẳng mấy chốc những di sản văn hóa sẽ bị phá hủy.


Vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ đang là bài toán nan giải đối với các cấp chính quyền sở tại và các ngành chức năng của thành phố. Bài toán bảo tồn chỉ có thể giải quyết bằng việc điều chỉnh mật độ dân cư. Ðây là lý do UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng đề án dãn dân phố cổ. Quận đặt mục tiêu đến năm 2020 di dời ba vạn dân sang Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Trong giai đoạn 1, bắt đầu triển khai từ đầu năm 2012, dự kiến sẽ di dời 1.900 hộ dân (với khoảng mười nghìn người) đang sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích tích lịch sử, trường học, công sở.


Tuy nhiên, nhiều người dân khu vực phố cổ còn chưa đồng thuận với tinh thần của đề án. Kết quả cuộc điều tra xã hội học của quận Hoàn Kiếm đối với 953 hộ dân trong diện phải di dời cho thấy: chỉ có 26,8% số hộ đồng ý di chuyển. Khu vực này là địa bàn kinh doanh sầm uất, nơi tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều gia đình. Việc di chuyển đến nơi ở mới đồng nghĩa với việc mất việc làm, nơi kinh doanh thuận lợi. Ðó là chưa kể đến một số hộ dân cùng sống trong một số nhà đang có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở... Những điều này làm cho một bộ phận người dân phố cổ rất băn khoăn, không biết chọn 'đi' hay 'ở'.


Ðể thực hiện thành công đề án dãn dân phố cổ, thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc đến ngày 20-7 phải làm xong quy hoạch điều chỉnh Khu tái định cư Việt Hưng. Mới đây, UBND thành phố thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phục vụ công tác này. Tổ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án, báo cáo thành phố trước ngày 30-8. Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất vẫn là phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu tái định cư, bảo đảm cuộc sống của người dân tái định cư tốt hơn nơi ở cũ. Một khu tái định cư với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, công trình phúc lợi tốt, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người dân là những tiêu chí quan trọng để người dân đồng thuận, tự giác thực hiện đề án.

Theo Thuận An (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.