07/03/2012 6:41 AM
Theo lộ trình, tháng 6-2012 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003 sẽ được trình Chính phủ để cuối năm trình Quốc hội lấy ý kiến, và dự kiến đầu năm 2013 Quốc hội sẽ thông qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003 đã cho thấy nhiều bất cập, cần phải được "mổ xẻ” một cách kỹ lưỡng...
Từ ba vấn đề bất cập

GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn (HĐTV) về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai, nhiều bất cập phát sinh, chủ yếu tập trung ở 3 vấn đề lớn: Bất cập lớn nhất là về mặt lý luận. Theo quy định, đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý. Theo GS Đạt, đây chính là vấn đề phức tạp, bởi sở hữu toàn dân là của tất cả mọi người, trong đó vấn đề quan trọng nhất là vấn đề về "sở hữu”. Do vậy muốn sửa Luật Đất đai thì phải sửa Hiến pháp. GS Đạt cho rằng, nếu không thừa nhận sở hữu của người dân thì cũng phải quy định mức sở hữu của người dân đến đâu? "Ở các nước khác, Luật Đất đai thuộc sở hữu của Hoàng gia (nhà vua), nhưng người dân có quyền sở hữu hạn chế. Tuy nhiên, sở hữu hạn chế là khái niệm chưa có trong luật của chúng ta nhưng lại đang được thực hiện ở nước ta. Trong khi đó, ở nước ta, người dân không có quyền gì cả, còn Nhà nước thì quản lý.”-GS Đạt nhấn mạnh. GS Đạt cũng cho rằng, do Hiến pháp ở nước ta vẫn chưa thừa nhận khái niệm quyền sở hữu hạn chế nên quyền thế chấp và thừa kế là đương nhiên, trong khi đó, các nước khác chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền thế chấp, thừa kế, hay chuyển nhượng.

Vấn đề bất cập thứ hai, theo GS Đạt là vấn đề giao đất và thời gian sử dụng đất. Theo đó, trong Luật Đất đai quy định là 20 năm, đến năm 2013 là hết thời hạn. Song quy định là 20 năm đang có vấn đề. Bởi lẽ, trong Luật Đầu tư, quy định người nước ngoài được sử dụng với thời gian là 50 năm, hoặc 70 năm, còn người dân trong nước chỉ là 20 năm, trong khi đó, người dân luôn mong muốn ổn định và lâu dài để ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất. Do vậy, thời gian sử dụng đất là một vấn đề rất bất cập.

Vấn đề thứ ba là vấn đề thu hồi đất. Luật quy định là có 12 trường hợp có thể thu hồi đất, nhưng có điểm chưa rõ ràng. Như cần phải giải thích rõ lợi ích công cộng là như thế nào? Chính vì chưa rõ ràng nên trong các quyết định thu hồi đất đã bị người dân khiếu nại. Với hơn 70% số vụ khiếu nại tố cáo đều liên quan đất đai cho thấy đang có 2 vấn đề. Đó là sự không rõ ràng trong các quyết định nên dẫn đến việc người dân khiếu nại. Tiếp nữa là do cơ quan thực thi pháp luật đã cố tình làm sai, nhưng lại đổ cho luật.

Đến 9 vấn đề cần phải "mổ xẻ”

Sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chỉ ra 9 vấn đề cần "mổ xẻ”: Thứ nhất, là một số điểm mong muốn đổi mới từ khi chuẩn bị dự thảo Luật này, nhưng chưa đủ điều kiện để nhất trí nên phải để lại nghiên cứu tiếp và đưa vào quá trình xây dựng Luật Đất đai tiếp theo, trong đó quan trọng nhất là quyết định xử lý khi thời hạn sử dụng đất sản xuất nông nghiệp 20 năm sẽ kết thúc vào ngày 15-10-2013. Thứ hai, là chế độ sử dụng đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở có tác động tốt cho thị trường bất động sản, nhưng chưa đạt được sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài về quyền tiếp cận tới quỹ đất, về nghĩa vụ tài chính đối với đầu tư trên đất như quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thứ ba, là quá trình chuyển dịch đất đai chưa hiệu quả. Cơ chế tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất không thành công vì nhiều người sử dụng đất bất hợp tác với nhà đầu tư bằng cách nói giá đất quá cao mà pháp luật chưa có giải pháp giải quyết. Quyền thu hồi đất của Nhà nước còn quá lớn và nhiều địa phương còn lạm quyền. Thứ tư, là công tác quy hoạch sử dụng đất chưa tạo được hiệu quả trong quản lý đất đai, chưa chủ động được phát triển các vùng sử dụng đất, chưa đồng bộ được với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thậm chí gây lãng phí trong xây dựng quy hoạch. Thứ năm, là những bất cập trong quản lý giá đất chưa phù hợp giá trị thị trường vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, một mặt tạo nên nguy cơ tham nhũng trong cơ chế cho thuê hoặc giao đất cho nhà đầu tư; mặt khác gây bức xúc cho người bị Nhà nước thu hồi đất khi tiếp nhận giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng. Thứ sáu, là cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường được thực hiện khá đơn giản: bồi thường, hỗ trợ bằng tiền một lần, nơi tái định cư gần như bắt buộc mà không cho quyền lựa chọn. Phương thức này gây tốn kém chi phí mà vẫn không làm vừa lòng người bị thiệt hại. Thứ bảy, việc phân cấp hoàn toàn quản lý đất đai cho địa phương đang gây nên 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, một bên cho là phân cấp quá mạnh làm cho quản lý thiếu hiệu lực và hiệu quả, cần phải thu bớt quyền về Trung ương. Một bên cho rằng cần tiếp tục duy trì phân cấp nhưng phải tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với địa phương. Thứ tám, những đổi mới về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai chưa làm giảm số lượng khiếu nại, nhất là những khiếu nại có liên quan tới cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thứ chín là vấn đề sở hữu đất đai đang đặt ra với mức độ bức xúc khá cao trên dư luận hiện nay với nhiều lập luận trái chiều. Đây là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng từ khía cạnh lý thuyết cũng như thực tế để tạo tính chân thực trong pháp luật đất đai.
Theo ĐĐK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.