Giá bất động sản hiện vẫn còn quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân, khiến nhiều người lao vào đầu tư, đầu cơ thay vì bỏ tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giá bất động sản ở Hà Nội thời gian qua tuy có giảm nhưng chưa nhiều và mới chỉ thay đổi ở khu vực xa trung tâm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn thiếu. Trong trường hợp người mua đến ở được thì cũng phải vài năm nữa. Những khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối tốt chẳng hạn như Linh Đàm, Văn Quán thì giá vẫn rất cao, có thể tới gần 40 triệu đồng mỗi m2 chung cư.


Tính trên toàn cục, tôi cho rằng giá bất động sản ở Hà Nội có giảm đến 70% nữa so với mặt bằng giá của tháng 7/2010 thì vẫn là quá cao so với mức thu nhập của đại đa số người dân. Tôi cho rằng số hộ gia đình ở Hà Nội có thu nhập chính đáng mà để dư ra được khoảng 30 triệu mỗi tháng sau khi đã trừ đi tất cả các loại chi phí sinh hoạt hàng ngày là không nhiều. Với số tiền này thì bao giờ mới có thể mua được một căn hộ chung cư 75 m2 ở Linh Đàm? Chưa kể đến ngay tại trung tâm Hà Nội số người làm công ăn lương thông thường thì lương tháng cũng chỉ khoảng 3-5 triệu mỗi tháng. Với số tiền này thử hỏi với mức giá cả như hiện nay liệu có đủ sống cuộc sống tối thiểu không?


Về bản chất thì bất động sản không tạo ra giá trị gia tăng nếu ta không đầu tư tiền của vào nó để tạo ra sản phẩm cụ thể phù hợp với nhu cầu có thể thanh toán của thị trường. Nếu cứ để địa ốc tăng giá cực kỳ vô lý như những năm qua thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Cụ thể là giá bất động sản tăng chóng mặt sẽ khiến nhiều người trong xã hội lao vào đầu tư, đầu cơ thay vì bỏ tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng, nền kinh tế méo mó bây bất bình đẳng trong xã hội.


Tôi cho rằng, chưa phải là lúc để giải cứu các doanh nghiệp và thị trường nhà đất. Thực tế các chủ đầu tư dự án họ đã bán hết hàng từ lâu, thậm chí từ khi dự án vẫn còn nằm trên giấy và chưa được phê duyệt. Chẳng hạn như một dự án ở khu vực phía Tây mặc dù vừa chính thức công bố dự án hồi đầu tháng 6 nhưng thực tế chủ đầu tư đã bán hết với giá khoảng 18 triệu đồng mỗi m2 từ cách đây mấy năm! Chỉ những người thân, chiếm tỷ lệ rất nhỏ mới mua được giá gốc nên chủ đầu tư sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ.


Những người thua thiệt hiện tại chỉ là các nhà đầu cơ và đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này cũng đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ trong suốt một thời gian dài trong nhiều năm qua, khi bất động sản chưa gặp khó khăn. Chẳng hạn như tôi biết có người nhờ mối quan hệ mua được suất liền kề 100m2 tại một dự án phía Tây với giá là 1,8 tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn bán lại được 5,8 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là 4 tỷ đồng, thậm chí không phải nộp thuế.


Các bạn thấy đấy buôn bán như vậy thì làm gì cho bằng? Thử hỏi công chức nhà nước cho dù ở cấp cao nhất nếu chỉ sống nhờ vào lương thì liệu có dư ra được 4 tỷ hay không? Sao lúc kiếm được 4 tỷ đồng trên một lô đất chỉ sau một thời gian ngắn không kêu lên? Đến giao đoạn này, nếu tính tổng lại thì các nhà đầu tư và đầu cơ vẫn lãi lớn. Vậy cớ sao phải giải cứu bất động sản lúc này?


Đất nước ta đã trải qua quá nhiều cơ cực trong lịch sử phát triển đó là hàng ngàn năm bị các triều đại phong kiến Phương Bắc đánh chiếm, hàng trăm năm bị Pháp đô hộ, vài chục năm bị Mỹ, Nhật xâm lược, 15 năm dưới thời bao cấp. Hiện nay chúng ta đang có quá nhiều vấn đề ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, chúng ta đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát cao, lãi suất cao, nợ công lớn, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả. Hơn nữa, kinh tế thế giới cũng đang bất ổn và chưa biết đến khi nào có thể phục hồi. Những vấn đề này cần phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để cải thiện tình hình.


Thử hỏi nếu chúng ta không làm tốt những việc này thì làm sao chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa chúng ta có thể cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được? Thử hỏi trong suốt 20 năm đổi mới chúng ta đã làm được những gì lớn? Của cải của chúng ta đến từ đâu? Chúng ta đã làm ra được những sản phẩm và dịch vụ gì có giá trị gia tăng cao? Tuy nhiên, cứ nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của chúng ta xem chúng ta đã xuất khẩu được những gì có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao? Tài nguyên thiên nhiên của chúng ta bị tàn phá và tận diệt thế nào?


Rất mong các nhà lãnh đạo liên quan hãy vì lợi ích của số đông người dân mà mạnh tay can thiệp để giá bất động sản trở về gần với giá trị thực thông qua công cụ thuế đánh vào giá đầu cơ. Hoặc đánh thuế lũy tiến vào những người sở hữu nhiều đất đai. Ngoài ra, phải có chế tài để đấu thầu dự án công khai chứ không phải là xin-cho như hiện nay. Làm như vậy nhà nước vừa thu được rất nhiều thuế cho ngân sách, vừa góp phần đưa giá bất động sản về giá trị thực, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh, tránh được việc hàng trăm tỷ đôla đang bị chôn vào đất thay vì được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Nguyễn Thành Trung (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.