Toàn địa bàn Hà Nội có trên 1.000 chung cư cũ nát, nguy hiểm nằm trong kế hoạch cải tạo, trong đó đa phần phải phá đi xây mới. Nhưng những năm qua, tiến độ thực hiện kế hoạch này mới đạt khoảng… 1%.

Kỳ cuối: Phá vỡ vòng luẩn quẩn

Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây là những mâu thuẫn giữa cơ chế, chính sách với lợi ích của DN, của người dân vẫn chưa được xử lý một cách rõ ràng, dứt khoát bằng những giải pháp đồng bộ….

Ì ạch tiến độ

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện địa bàn TP có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do TP quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Nhưng, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp theo nguyên tắc xã hội hoá mới chỉ đạt xấp xỉ 1% số lượng các công trình cần cải tạo, xây dựng lại. PV báo Pháp luật & Xã hội đã làm việc với bộ phận chức năng của Sở Xây dựng để cập nhật tiến độ các dự án cải tạo các chung cư cũ nát trên địa bàn, đặc biệt là những khu chung cư có nguy cơ cao mà PV đã "mục sở thị". Cụ thể, về tiến độ cải tạo một số chung cư ở phường Giảng Võ, UBND TP có văn bản giao liên danh Cty quản lý và phát triển nhà Hà Nội và TCty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo xây dựng lại. Đến nay, liên danh đã hoàn thành việc điều tra xã hội học, đo đạc hiện trạng 1/500, xác định ranh giới nghiên cứu quy hoạch và được UBND TP phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch, đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện đồ án quy hoạch cải tạo xây dựng lại KTT Giảng Võ, sẽ hoàn thiện đồ án công khai xin ý kiến của cộng đồng dân cư và trình UBND TP xem xét trong năm 2012.

Đối với chung cư E6, E7 Quỳnh Mai, do xuống cấp nguy hiểm, ngày 13-4-2009, UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương cho Cty CP đầu tư xây dựng số 12 được liên doanh với Cty CP tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, Cty CP đầu tư và xây dựng điện lực VN thành lập Cty CP theo quy định để thực hiện dự án phá dỡ, xây lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai. Tuy nhiên, việc cải tạo nhà E6, E7 Quỳnh Mai phải được thực hiện trên cơ sở một đề án tổng thể, theo quy hoạch chi tiết được duyệt của toàn khu chung cư Quỳnh Mai. Trên cơ sở đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng, ngày 7-7-2009, UBND TP có văn bản giao TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (nay là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị VN) là đơn vị chủ trì lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại, tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát đánh giá hiện trạng tổng thể KTT Quỳnh Mai, trong đó gồm cả việc phá dỡ, xây lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai.

Đến nay, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị VN (đại diện liên danh với Cty CP địa ốc Sông Hồng) đang tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng tổng thể khu chung cư Quỳnh Mai, phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng hoàn thành công tác điều tra xã hội học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Quỳnh Mai. UBND TP đang xem xét, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch làm cơ sở nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của khu chung cư Quỳnh Mai. Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, nhà E6, E7 Quỳnh Mai sẽ được phá dỡ, xây dựng lại…
Chủ trương cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội, vì sao giẫm chân tại chỗ?
Chung cư E6 Quỳnh Mai đang bị xuống cấp nghiêm trọng
Phá vỡ cái vòng luẩn quẩn

Hiện nay, vướng mắc về việc cư dân của các khu chung cư cũ nát này quyết bám trụ với những đòi hỏi quyền lợi quá mức, thì một trở ngại rất lớn cho việc triển khai là việc khống chế mật độ xây dựng khi cải tạo xây dựng các chung cư cũ, khống chế tầng cao (tối đa 9 tầng)… Vì thế, cải tạo chung cư cũ hiện thực sự gặp rất nhiều khó khăn, đang trong vòng luẩn quẩn, chưa thoát ra được!

Mới đây, ngày 17-11, lãnh đạo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã có một cuộc làm việc về tiến độ các dự án cải tạo xây mới các chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM có gần 2.000 chung cư cũ, làm ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, cũng như bộ mặt kiến trúc và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nên phải cải tạo, nâng cấp hoặc phải xây mới. Nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng thì không thể thực hiện cải tạo lại nhà chung cư cũ với cách làm như hiện nay. Để mở lối xây dựng lại chung cư cũ, phải xây dựng quy trình, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại. "Nếu Nhà nước quyết liệt thực hiện thì sẽ hoàn thành trong 10 năm tới" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định và cho biết thêm, chung cư là của người dân, nếu người dân không tự nguyện xây lại thì Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng chứ không phải DN. Theo Nghị định về cải tạo chung cư cũ Bộ Xây dựng đang soạn thảo để trình Chính phủ, khu đất của nhà chung cư cũ sẽ được đấu giá hoặc xây nhà xã hội. Các địa phương hằng năm có trách nhiệm công bố những công trình nào phải di dân, chung cư nào nguy hiểm.

Với quyết tâm của các cơ quan chức năng, và sự đồng thuận của người dân, mong rằng tới đây, tiến độ cải tạo những chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn TP sẽ được đẩy nhanh.
Theo H.Vượng- Sỹ Hào (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.