Nhếch nhác, xuống cấp và nguy hiểm đó là tình trạng chung của các chung cư cũ (xây dựng từ năm 1990 trở về trước) trên địa bàn Hà Nội.

Kỳ 2: Mòn mỏi chờ đợi được “khai tử

Trong khi việc cải tạo ở một số khu chung cư xập xệ đang gặp khó bởi sự kiên trì bám trụ để đỏi hỏi lợi ích cao hơn của một số cư dân, thì ở nhiều khu xuống cấp nguy hiểm khác, người dân đang ngóng từng ngày được di dời, để thoát khỏi cảnh "tử thần" luôn rình rập…



Chủ trương cải tạo chung cư cũ, nát nguy hiểm ở nội thành, vì sao giẫm chân tại chỗ?
Chung cư C5 Quỳnh Mai, nền bị lún xuống cả mét so với mặt đường.

"Sống trong sợ hãi…"

Nhếch nhác, xuống cấp và nguy hiểm đó là tình trạng chung của các chung cư cũ (xây dựng từ năm 1990 trở về trước) trên địa bàn Hà Nội. Dường như các cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc tìm hướng giải quyết, nâng cấp cải tạo hoặc xây mới các chung cư cũ, thì cư dân vẫn ngày ngày đối mặt với những khó khăn, bất tiện, thậm chí hiểm nguy…

Chung cư C5 Quỳnh Mai, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, có vẻ ngoài cũ kỹ và nhếch nhác, với nhiều cánh cửa sổ đã mục nát, cong vênh, cái mất, cái vẫn còn gắn trên tường nhờ những chiếc bản lề gỉ sét, lủng lẳng đung đưa, tưởng chừng như có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào. Vữa tường chung cư nhiều mảng đã long lở, rụng rơi, nên tường và trần chung cư nhiều nơi chỉ còn trơ gạch, hoặc những thanh sắt lòi ra bị nắng mưa làm cho hoen gỉ, nhiều chỗ nứt toác thấm nước. "Chuồng cọp" thì ôi thôi, chúng thi nhau nhoi ra khoảng không, khiến ngõ vào bị che kín bưng trở thành tối tăm và ẩm thấp. Ngạc nhiên hơn, khu chung cư này có 5 tầng, nhưng tầng 1 đã bị lún sâu vào lòng đất khoảng chừng 1m… Bước vào, chúng tôi bắt gặp cảnh nhiều cháu nhỏ đang tụ tập chơi trong con ngõ chật hẹp này. Phía trên đầu đám trẻ là những cánh cửa sổ cong vênh và mục nát bám trên tường nhờ những chiếc bản lề gỉ sét, có cả những tấm tôn mỏng manh, "rung rinh" trước mỗi cơn gió nhẹ và những chậu cây cảnh đặt hờ hững trên "chuồng cọp",… Đó là những mối nguy hiểm đang tiềm tàng và hiển hiện đối với mọi người đi lại dưới con ngõ chật hẹp này.

Khoát tay giới thiệu căn hộ tầng 1 của mình đã bị lún xuống khoảng 1m so với mặt đường, anh Hùng nói: "Nhà báo thấy đấy, chúng tôi ở như thế này là nguy hiểm, việc cánh cửa sổ, miếng tôn, vữa tường, chậu cảnh… bất ngờ rơi xuống cũng hay xảy ra tại đây, rất may chưa có ai gặp "vận rủi". Chúng tôi mong muốn thành phố sớm có biện pháp giúp đỡ, nhưng chờ mãi mà không thấy". Một cư dân khác nơi đây cho biết, chung cư này xây dựng dành cho công nhân nhà máy Dệt từ năm 1961, đã xuống cấp ở mức rất nghiêm trọng từ nhiều năm rồi. Diện tích trung bình mỗi căn hộ tại đây khoảng 19m2, sử dụng nhà vệ sinh chung. Diện tích khiêm tốn nên các hộ gia đình ở đây phải "khắc phục" bằng mọi cách, để sinh hoạt của gia đình đỡ bất tiện và dễ thở hơn, các hộ dân tầng trên thì xây "chuồng cọp", hộ tầng dưới thì xây lấn ra khoảng sân chung, nhằm tăng diện tích sử dụng hoặc tổ chức kinh doanh buôn bán. Thực ra, đây cũng là tình trạng chung ở hầu khắp các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.

Chung cư E6 Thanh Nhàn dọc phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, tầng dưới cùng được nhiều hộ gia đình cơi nới tổ chức kinh doanh. Nhìn những cửa hàng kinh doanh có vẻ mới mẻ, nhưng đây là chung cư xuống cấp nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm ở cấp độ D, nghĩa là phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa biết khi nào sẽ triển khai việc di dời, bởi thế các hộ dân vẫn phải tiếp tục ăn ở nơi đây và "sống cùng nguy hiểm". Nền chung cư E6 cũng đã bị lún sâu vào lòng đất.

Tìm hiểu từ những người có trách nhiệm nơi đây, chúng tôi được biết, thành phố đã có chủ trương di dời xây dựng lại chung cư này từ mấy năm trước, tuy nhiên không biết vì lý do gì mà vẫn chưa thực hiện được. Về kết cấu, chung cư này được xây dựng bằng công nghệ lắp ghép các mảnh bê tông lớn, hiện mức độ gắn kết của các miếng bê tông ghép với nhau không còn tốt như trước nữa, ở nhiều mối lắp ghép đang có hiện tượng nứt, tách rời nhau và tất nhiên, càng ngày những "căn bệnh tuổi tác" này càng khiến chung cư trở nên nguy hiểm đối với các hộ dân. "Chúng tôi rất mong sớm được di dời đi nơi nào đó, hoặc ít nhất cũng phải có sự khắc phục thế nào chứ…"- bác Thành, một cán bộ về hưu sống nơi đây bày tỏ mong mỏi. Chỉ tay vào những vết thấm trên tường, anh Nguyễn Văn Thành - một cư dân sống trên tầng 2 nói với chúng tôi: "Tình trạng thấm nước xảy ra thường xuyên và rất phổ biến. Có hộ mỗi khi vào nhà vệ sinh còn phải đội nón vì nước trên trần nhà nhỏ giọt như mưa".

Chủ trương cải tạo chung cư cũ, nát nguy hiểm ở nội thành, vì sao giẫm chân tại chỗ?

"Bài toán" nan giải

Có thể nói, sự nhếch nhác, chật chội, ẩm thấp và nguy hiểm đang là tình trạng chung của hầu khắp các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa là tình trạng người dân tận dụng tối đa công năng của mọi khu vực trong khu chung cư. Đến bất kỳ chung cư cũ nát nào, người ta rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tầng một của chung cư được hầu hết các hộ gia đình cơi nới để làm nơi kinh doanh buôn bán, còn khoảnh sân chung cũng được mọi người tận dụng hết "công suất", đây vừa là nơi đun nấu, bãi trông giữ xe, sân chơi, vừa là một "chợ cóc" luôn tấp nập người mua kẻ bán. Mặc dù cuộc sống ở chung cư cũ có trăm nghìn bất tiện, nguy hiểm nhưng nhiều cư dân được hỏi đều trả lời chúng tôi rằng, qua thời gian dài sinh sống nơi đây họ đã "quen khổ rồi", không muốn di dời đi nơi khác nữa.

Thực tế, tìm hiểu từ các cơ quan chức năng chúng tôi được biết, việc triển khai các kế hoạch cải tạo nâng cấp chung cư đang gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Trở ngại lớn nhất là vấn đề kinh phí, bởi việc di dời, xây dựng và tái định cư cho các hộ dân ở hàng loạt những chung cư cũ nát như trên sẽ ngốn những khoản kinh phí khổng lồ, trong khi ngân sách dành cho việc này rất hạn hẹp. Và, nguyên nhân trở ngại khác, như chúng tôi đã đề cập trong kỳ 1 của loạt bài này, là về phía người dân, họ đã "an cư lạc nghiệp" ở các chung cư này nhiều năm, nhiều thế hệ nên thực sự họ không muốn di dời; trong đó có một bộ phận người dân quyết bám trụ hy vọng được Nhà nước đáp ứng thêm quyền lợi….

Để giải "bài toán" hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân, Nhà nước đã mời các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư trong lĩnh vực này, mượn sức hấp dẫn của các khu đất vàng mà các tòa chung cư cũ tọa lạc. Tuy nhiên, mọi việc cũng không hề dễ dàng, bởi "khó khăn mới". Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Kế hoạch xây dựng cải tạo chung cư đang vướng những quy định về quy hoạch nội đô đã được Chính phủ phê duyệt. Nghĩa là trong nội đô chỉ được xây dựng chung cư 9 tầng trở xuống, để giảm mật độ dân cư…". Nếu đảm bảo tuân thủ "quy hoạch nội đô" này thì rất khó cho doanh nghiệp, bởi nếu phá bỏ một chung cư cũ 5 tầng, sau đó chỉ được xây dựng chung cư mới không quá 9 tầng, thì chủ đầu tư sẽ không dôi ra được bao nhiêu diện tích để kinh doanh thu hồi vốn, bởi riêng việc tái định cư tại chỗ cho dân, với diện tích bằng 1,3 lần so với diện tích cũ, chủ đầu tư đã mất khoảng 7-8 tầng, chưa kể đến những "nỗi khổ" khác, trong quá trình triển khai dự án. Chính vì thế, nhiều khu chung cư cũ nát, nguy hiểm đã lên kế hoạch di dời, xây dựng năm bảy năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể động đậy...
Theo Sỹ Hào - Hoàng Vượng (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.