Sa bàn đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài
Theo đó, Chính phủ cho phép UBND Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đối với từng dự án cụ thể. Nếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, UBND thành phố Hà Nội xác định, huy động vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật đất đai và tiến độ triển khai các dự án. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung được huy động từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn xã hội hóa theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Chính phủ còn giao Chủ tịch UBND Hà Nội tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng khung thuộc nhóm A.
Đồ án Quy hoạch đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài, được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Thành phố, đầu Rồng quay về hướng sông Hồng - Hồ Tây.
Dự án có nguồn vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng (thời điểm năm 2015), trong đó, 22.200 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khung và 10.800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đất sử dụng lên tới 2.000 ha thuộc phạm vi 3 xã của huyện Sóc Sơn và 10 xã của huyện Đông Anh (phần lớn là đất trồng lúa, làng xóm, điểm dân cư).
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ, bản chất của cơ chế, chính sách đặc thù này là làm sao lấy tiền từ quỹ đất hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài để phát triển hạ tầng tiếp theo, đây là định hướng đúng và hoàn toàn khả thi.