Phải quyết liệt chống tham nhũng để giúp cho giá đất đai được ổn định, đảm bảo không có giá ảo.
Chống tham nhũng để ổn định giá đất đai!

Ông Tôn Gia Huyên nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn báo chí về tình trạng đầu cơ, giá ảo trên thị trường bất động sản hiện nay.

Theo ông Tôn Gia Huyên, mấu chốt của tình trạng đầu cơ thì nó đến từ hai phía, trong đó có sự lỏng lẻo của nhà nước và sự hám lợi của một bộ phận người dân lắm tiền, nhiều của.

Nếu nhà nước mạnh tay thì có thể sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, giá ảo. Đồng thời phải làm sao để ý thức công dân phải được nâng cao hơn nữa, giúp toàn xã hội kiềm chế được lòng tham, hạn chế được các hành vi sai trái.

Ông Tôn Gia Huyên cho rằng, Nhà nước hiện nay thừa nhận việc đầu cơ trên thị trường bất động sản là phổ biến nhưng để khắc phục được việc này thì phải có một hệ thống giải pháp, trước hết là việc quản lý hồ sơ đất đai minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận.

Phải có một loạt các chính sách điều tiết, nhất là về thuế bởi hệ thống thuế của chúng ta hiện có nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đặc biệt là về quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng về đất đai, thậm chí là thuế đất, nắm giữ tài sản...

Đứng về mặt quản lý đất đai, phải xử lý rất đồng bộ, từ quy hoạch, xây dựng quy hoạch đến việc phân bổ lại đất đai, cân đối lại lao động, khoanh vùng quy hoạch lại để ổn định cho từng vùng... mới mong giá nhà đất giảm xuống được. Tất nhiên kèm theo đó phải quyết liệt chống tham nhũng để giúp cho giá đất đai được ổn định, đảm bảo không có giá ảo.

Ông Tôn Gia Huyên nêu rõ, đây là một việc khó rồi, nhưng không có nghĩa là không làm được. Suy cho cùng, đầu cơ đất đai là một hoạt động tất yếu của thị trường bất động sản, nếu nhà nước quản lý kém thì tất yếu đầu cơ sẽ nhiều, nếu làm chặt thì đầu cơ ít.

Tuy nhiên, nếu chỉ mạnh về năng lực quản lý thôi cũng chưa đủ mà chúng ta phải mạnh về sơ sở vật chất, phải có nhiều hàng hóa bởi đây mới chính là cơ sở để điều tiết thị trường.

Theo ông Tôn Gia Huyên, giá cả bất động sản hiện nay rất bất thường. Nhưng tại sao người ta dám bỏ ra rất nhiều tiền chỉ để mua một mảnh đất? Bởi vì tiền họ kiếm được quá dễ, còn những người kiếm tiền bằng sức lao động thì không bao giờ mua được nhà, đất tại Hà Nội.

Về mặt xã hội, 1m2 đất có giá 1 tỷ đồng thì không có người nào dám bỏ tiền ra để mua nếu đồng tiền đó họ kiếm được bằng sức lao động của họ, chẳng qua đồng tiền đó họ lấy từ đâu đó một cách dễ dàng nên họ chi cũng rất dễ dàng. Thế nên mới có tình trạng giá ảo và đầu cơ nhiều.

Tất nhiên, ở đây có vấn đề về chính sách. Nhà nước phải làm sao thỏa mãn được nhu cầu sở hữu về đất đai với tư cách là người chủ sở hữu, vì nhà nước nắm hết toàn bộ tài nguyên của đất nước thì phải có trách nhiệm cung cấp hết cho người dân tài nguyên đó, giá đất tăng lên cũng phản ánh cầu vượt cung và như thế nhà nước phải có biện pháp để hạn chế.

Còn nếu không phải là vấn đề cung - cầu thì nhà nước phải xử lý theo hướng khác. Phải kiểm tra ngay những đồng tiền mà doanh nghiệp, cá nhân nào mua được tài sản đó. Điều này hoàn toàn nhà nước có thể làm được.

Ông Tôn Gia Huyên nêu rõ, tình trạng giá ảo và đầu cơ có liên quan tới nhóm lợi ích. Họ hoạt động nhưng nhà nước không kiểm soát được do hệ thống chính sách của mình chưa đủ mạnh để xử lý được vấn đề này.

Hiện nay thị trường thị trường đất đai sôi động, nhiều mối quan hệ và nhiều chủ thể tham gia hơn nên phức tạp hơn nhiều.

Ngay cả chuyện kinh tế hóa ngành tài nguyên đất đai là chủ trương đúng nhưng nó cũng có hai mặt. Đất đai chỉ nên kinh tế hoá trên cơ sở nền tảng kinh tế ổn định, tức là phải đảm bảo an sinh rồi có mới có những ngành, nhánh để hoạt động được.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nêu rõ, hiện nay, tình trạng khiếu kiện về đất đai, sử dụng lãng phí, đầu cơ, tham nhũng trong đất đai vẫn còn nhiều khiến dư luận bức xúc. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã ban hành chỉ thị về kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất.

Chính phủ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm để xử lý theo quy định.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai các đoàn thanh tra một số tỉnh, thành và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tự kiểm tra, xử lý và báo cáo về Bộ để báo cáo Thủ tướng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các địa phương. Về lâu dài cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí nhằm xử lý tình trạng đầu cơ, ôm đất rồi bỏ hoang. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiên quyết hạn chế tối đa những tiêu cực này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 60% tổng số các vụ khiếu nại trong cả nước. Nội dung chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân…

Nguyên nhân chính là do một số địa phương chưa làm tốt việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Cùng với đó là chính sách về đất đai thường xuyên thay đổi, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn phức tạp, thậm chí còn gây phiền hà cho người dân.

Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ việc quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai còn chưa thống nhất, nhiều cơ quan nhận đơn, chuyển đơn và giải quyết mà không có điểm dừng…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể với mục xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đây là một vấn đề lớn, có tính chiến lược, liên quan tới nhiều bên và nhiều yếu tố, cần có sự ủng hộ, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương nên cần phải có thời gian nhất định để thực hiện các nội dung đề ra.

Ngoài ra thì các giải pháp như tăng cường tạo quỹ đất sạch của Nhà nước để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Một giải pháp nữa mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải thực hiện là tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí. Đây cũng là giải pháp cơ bản để xóa bỏ tình trạng đầu cơ, lãng phí đất đai.
Theo Vĩnh Thanh (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.