Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, báo cáo: Hiện thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng tương đối thuận lợi bởi vướng mắc về yêu cầu xã phường, đơn vị xác nhận tình trạng nhà đã được Bộ Xây dựng tháo gỡ (Pháp Luật TP.HCM ngày 31-7). Tuy nhiên, có không ít trường hợp không được vay vốn do muốn mua căn hộ có diện tích lớn hơn 70 m2 (hiện tồn kho khá nhiều).
Từ đó, Sở Xây dựng TP kiến nghị cho khách hàng mua căn hộ lớn hơn 70 m2 cũng được vay gói 30.000 tỉ đồng nhưng phần diện tích dôi dư sẽ không được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, cần ổn định lãi suất cho vay 3%/năm đối với khách hàng mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 trong thời gian 15 năm.
Về kiến nghị này, ông Nguyễn Tiến Thân (Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ TN&MT, thành viên Ban chỉ đạo) cho rằng phải khống chế mức trần của căn hộ diện tích lớn được vay hỗ trợ. “Ví dụ căn hộ 150 m2 có được vay không? Nếu đối tượng quá rộng rãi thì không thể đáp ứng xuể” - ông Thân góp ý.
Theo Sở Xây dựng, hiện có 26 dự án xin chia nhỏ căn hộ và chuyển đổi từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó, ba dự án đã được TP chấp thuận cho chuyển đổi, số còn lại đang được lấy ý kiến sở/ngành, quận/huyện hoặc đang hoàn chỉnh hồ sơ. Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, cho rằng thủ tục rà soát cần chặt chẽ nhưng cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết hồ sơ nhanh chóng hơn. “Các doanh nghiệp cứ hỏi sao lúc duyệt dự án nhà ở thương mại dễ mà bây giờ chuyển đổi lại khó quá” - ông Tuyến kể.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, TP rất thận trọng khi cho chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội. “Cần tránh tình trạng tồn kho nhà ở thương mại chuyển thành tồn kho nhà ở xã hội. Dự án không phải chỉ gắn nhãn nhà ở xã hội là bỗng trở nên hấp dẫn. Đồng thời, không thể chấp nhận một dự án có vấn đề về pháp lý rồi xin chuyển sang nhà ở xã hội để hợp thức hóa sai phạm” - ông Tuấn phân tích.