Hơn hai năm trước, chính sách xây dựng nhà cho người thu nhập thấp (TNT) được ban hành trong sự kỳ vọng của người dân. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn triển khai, chính sách này đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập
Tại cuộc họp mới đây nhất của UBND thành phố Hà Nội về chương trình xây nhà cho người TNT, đại diện các sở xây dựng, tài chính, tài nguyên - môi trường... đã phải thừa nhận có quá nhiều "nút thắt" khiến hiệu quả chương trình không được như mong muốn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến đóng góp của người dân...

Chính sách về nhà thu nhập thấp: Giá cao, chưa sát thực
Khu nhà TNT Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông được thiết kế như một khu chung cư cao cấp.

Bà Phạm Thanh Tuyết (phường Bồ Đề, quận Long Biên): Giá quá cao…

Đều là cán bộ, công chức nhà nước, thu nhập ba cọc ba đồng, vợ chồng tôi và hai cháu nhỏ chỉ đủ tiền thuê tạm một gian nhà cấp bốn để ở. Biết tin Công ty Xây dựng nhà số 5 xây dựng khu nhà cho người TNT tại khu đô thị (KĐT) mới Sài Đồng, chúng tôi mừng lắm. Sau khi làm đơn theo mẫu của chủ đầu tư, xin chữ ký xác nhận tình trạng khó khăn về chỗ ở của lãnh đạo cơ quan, tổ trưởng tổ dân phố... chúng tôi đi lại cả chục lần mới hoàn thiện được hồ sơ, nhưng cuối cùng lại phải rút lui vì dù đã vay mượn khắp nơi vẫn không đủ tiền nộp. Theo quy định của chủ đầu tư, giá nhà được bán với mức 12,32 triệu đồng/m2. Mỗi căn hộ có diện tích trung bình 69m2. Thu tiền thành 7 đợt, mỗi đợt từ 10% đến 25%. Từ tháng 7-2011 đến cuối năm 2012, khách hàng phải nộp toàn bộ số tiền mua căn hộ, chỉ riêng đợt 1, số tiền phải nộp đã lên tới 200 triệu đồng. Tính ra, một căn hộ có giá lên tới hơn 850 triệu đồng, thời hạn đóng tiền lại quá ngắn, khiến những người là viên chức nhà nước chỉ sống dựa vào thu nhập từ đồng lương không thể xoay xở kịp. Theo tôi, mức giá từ 10 triệu đến trên 13 triệu đồng/m2 của căn hộ cho người TNT tại Hà Nội là không hề rẻ, thậm chí còn ngang bằng giá của các khu chung cư thương mại trên địa bàn thành phố và cao gấp đôi, gấp gần 3 lần so với giá nhà TNT tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Nếu cơ quan chức năng không sớm sửa đổi mức giá, e rằng nhà TNT sẽ khó đến tay đúng đối tượng.

Ông Trương Tuấn Anh - KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai: Chính sách chưa phù hợp

Sau hai năm triển khai xây dựng nhà cho người TNT, đến nay Hà Nội đã có 11 dự án được triển khai, xây dựng khoảng 11.700 căn hộ. Dù hiện nay mới có duy nhất 1 dự án hoàn thành, 5 dự án khác đủ điều kiện nhận đơn, ký hợp đồng mua bán nhà, nhưng số lượng căn hộ bị "ế" đã lên tới cả nghìn. Theo tôi, sở dĩ có tình trạng này là do khi ban hành chính sách nhà ở cho người TNT, cơ quan chức năng đã không điều tra, tìm hiểu kỹ càng, dẫn đến hầu hết các chính sách liên quan đến chủ trương này đều nhanh chóng bị lạc hậu. Trước hết là chuyện khoanh vùng đối tượng được xét duyệt mua nhà TNT. Theo quy định ban đầu, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành mới đủ điều kiện nộp đơn mua nhà. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, quy định này đã lỗi thời bởi số lượng người nội thành nộp đơn quá ít. Cuối cùng thành phố phải cho tất cả người dân có hộ khẩu tại Hà Nội đều có thể tham gia đăng ký mua nhà. Nhưng ngay cả quy định này cũng không giúp nhà TNT tại Hà Nội bớt ế ẩm, dẫn đến việc các cơ quan chức năng đang kiến nghị thành phố tiếp tục cho mở rộng đối tượng mua nhà TNT. Theo đó, những người làm việc từ một năm trở lên và có hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội cũng nằm trong đối tượng đủ điều kiện mua nhà.

Về giá cả, lẽ ra trước khi xây dựng nhà cho người TNT, cơ quan quản lý phải tìm hiểu rõ nhu cầu, khả năng thực tế của người dân để quy định mức giá sàn - giá trần phù hợp. Đằng này, mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư giá thành nhà TNT lại khác nhau. Chẳng hạn, tại dự án nhà TNT ở Xuân Mai, giá chỉ 8,8 triệu đồng/m2, nhưng dự án nhà ở Ngô Thì Nhậm đã lên tới hơn 11 triệu đồng/m2 và đến dự án ở Sài Đồng, giá nhà TNT đã lên tới 13,3 triệu đồng/m2... Những bất cập trong chính sách về nhà TNT không chỉ khiến các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia chương trình nhà ở xã hội cảm thấy bế tắc, chán nản, mà ngay cả người TNT khó khăn về chỗ ở cũng thấy mệt mỏi.

Ông Nguyễn Thành Vinh (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì): Còn nhiều bất cập

Theo dõi thông tin trên báo chí những ngày qua, tôi rất ngạc nhiên khi biết đến thời điểm này cơ quan quản lý mới đặt mục tiêu: xác định nhu cầu nhà TNT trên địa bàn toàn thành phố, từ đó xây dựng quy hoạch, thiết kế các dự án có tính tổng thể. Chẳng lẽ hai năm qua, các cơ quan chức năng thực hiện chương trình không dựa vào nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người TNT?

Theo tôi, sở dĩ có tình trạng nhà xây xong bị ế, bị kêu là giá đắt... bởi các cơ quan chức năng đã bỏ qua công tác điều tra xã hội. Lẽ ra trước khi triển khai chương trình, cơ quan quản lý phải nắm được chính xác tổng nhu cầu nhà TNT của người dân, biết được khả năng tài chính của người TNT để xây dựng giá thành, diện tích căn hộ, kết cấu, mật độ xây dựng của các tòa nhà... sao cho phù hợp. Đằng này, cơ quan chức năng đã làm ngược quy trình, dẫn đến hàng loạt bất cập. Xây nhà cho người TNT mà diện tích mỗi căn hộ lên tới 70m2, thử hỏi người TNT nào có đủ khả năng tài chính? Dù muộn còn hơn không, Sở Xây dựng cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng các căn hộ mẫu cho người TNT theo hướng giảm giá thành, bảo đảm chất lượng.

Theo Bảo Nga (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.