Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển khái quát: Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003, bên cạnh những chuyển biến tích cực vẫn còn nhiều hạn chế khiến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tình hình khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp… Do đó, hội thảo tập trung thảo luận về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, góp ý xây dựng các chính sách mới như: Cơ chế để Nhà nước chủ động thu hồi đất; cơ chế đồng thuận trong việc tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư; sự tham gia của người dân trong quy trình thu hồi đất, xét duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cưỡng chế thu hồi đất; điều kiện bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất…
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải có tính kế thừa cái tốt của các chính sách cũ chứ không thể thay đổi liên tục dẫn tới khó triển khai. Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đặt câu hỏi: “Tại sao cùng thực hiện một chính sách về đất đai mà có tỉnh thì làm tốt, được người dân ủng hộ, tỉnh khác thì người dân bất bình, khiếu kiện kéo dài?”. Theo ông Minh, việc sửa đổi chính sách phải làm sao để khi thu hồi đất chính quyền phải nhân danh lợi ích chung chứ không nhân danh cho một nhóm người.