Hàng loạt các công trình lớn đã và đang tiếp tục được xây dựng trên cả nước. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng vạn hộ dân nằm trong diện giải tỏa để giải phóng mặt bằng cho các dự án này cần được tái định cư (TĐC).

Chỉ riêng TP Hà Nội, theo số liệu mới nhất, quỹ nhà TĐC trên địa bàn đang thiếu khoảng 5.800 căn hộ, giai đoạn năm 2011 - 2015, thành phố cần khoảng 20.000 căn hộ TĐC, tương đương 1,6 triệu m2 sàn, với kinh phí khoảng 13.000 tỷ đồng (chưa kể phần hạ tầng). Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng căn hộ TĐC rơi vào khoảng 30.000 căn, tương đương 2,4 triệu m2 sàn, kinh phí khoảng 18.000 tỷ đồng.


Đây là số vốn đầu tư không hề nhỏ để xây nhà TĐC nhưng trước chất lượng quá kém của nhà TĐC khiến hầu hết người dân cảm thấy e ngại khi nhận loại nhà này. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân không muốn di dời, gây cản trở công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ của nhiều dự án hiện nay. Có nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do người dân không “mặn” với nhà TĐC nên mới có nghịch lý Hà Nội thiếu nhà TĐC nhưng hiện có tới 1.654 căn hộ TĐC... bỏ hoang và xuống cấp.


Từ tháng 10-2009, Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có hiệu lực. Những quy định mới trong nghị định này được đánh giá là có lợi hơn cho người dân, trong đó địa phương phải xây dựng đa dạng loại nhà ở TĐC, bố trí nhiều mức đất ở trong khu tái định cư, có suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với nhu cầu, khả năng và tập quán sinh hoạt của người có đất bị thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ khoản tiền chênh lệch đó cho người dân...


Thực tế, các địa phương đã xây dựng rất nhiều nhà TĐC. Nhà nước cũng đã bỏ ra không ít kinh phí để tạo ra mức giá rẻ cho các khu nhà này. Nhưng những ưu đãi đó dường như chưa đủ, chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực của người dân và “tiếng xấu” của loại nhà TĐC vẫn còn đó.


Theo nhiều chuyên gia xây dựng, điều quan trọng không phải xây thật nhiều nhà TĐC mà chúng ta cần có một chính sách tái định cư linh hoạt hơn, trong đó trọng tâm là đền bù cho người dân thỏa đáng và có những hỗ trợ kịp thời đối với những hộ khó khăn. Đặc biệt, không nên xây dựng hàng loạt những khu nhà mang tên TĐC với chất lượng quá thấp như hiện nay. Trước hết, phải quan niệm rằng nhà TĐC cũng là nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân và không thể có sự phân biệt về chất lượng giữa nhà TĐC với nhà ở trong những khu chung cư bình thường khác.


Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng chúng ta chỉ cần xây dựng nhà ở đa dạng về chủng loại theo nhu cầu xã hội như hiện nay, người dân trong diện cần TĐC sau khi được đền bù sẽ tự lựa chọn căn nhà phù hợp với nhu cầu, năng lực kinh tế của mình. Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ cần ưu tiên về quyền mua, hỗ trợ về giá theo những quy định trong chính sách TĐC. Làm được như vậy, người dân sẽ không phải chịu cảnh khổ ải trong những khu nhà TĐC kém chất lượng và những khu đô thị sẽ không còn những tòa nhà TĐC nhếch nhác và bỏ hoang như hiện nay nữa.

Theo Bích Quyên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.