Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các ban, ngành liên quan dự thảo nghị định về quản lý đầu tư, phát triển đô thị. Theo nội dung dự thảo, các dự án nhà ở thương mại, khi xây dựng hay chào bán, dự kiến số căn hộ có diện tích từ 45-90m2 phải chiếm tối thiểu 2/3 tổng lượng căn hộ toàn dự án.

Trong số căn hộ có diện tích nhỏ và trung bình này, chủ đầu tư phải bố trí tối thiểu 30% lượng căn hộ diện tích từ 45-70m2; lượng căn hộ diện tích trung bình 70-90m2 chiếm tối thiểu 40%; số còn lại diện tích từ 90m2 trở lên.


Bên cạnh đó, dự án bắt buộc phải có nhà ở cho thuê - xây dựng từ phần diện tích dành cho nhà ở xã hội (chiếm 20% diện tích đối với dự án nhà ở có quy mô từ 10ha trở lên).


Rõ ràng đây là chính sách có lợi cho người dân đô thị. Bộ Xây dựng đã giữ đúng lời hứa khi tìm mọi cách khuyến khích lẫn “ép” doanh nghiệp phải xây nhà diện tích nhỏ và vừa, thay vì những căn hộ hàng trăm m2 như trước đây.


Điều này cũng có nghĩa sẽ rút ngắn khoảng cách được sở hữu nhà ở của hàng vạn người dân. Tuy nhiên, sự đón nhận của những người “khát nhà” đối với chính sách này đã không còn nồng nhiệt như nhiều năm trước, đúng hơn là giữ một thái độ dè dặt với tâm lý chờ đợi.


Bởi quay lại nhiều năm về trước, khi Bộ Xây dựng khởi động chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân - sinh viên, đã có không ít người vui mừng vì một tương lai sáng hơn về chốn an cư được mở ra. Tại thời điểm đó, những chính sách khuyến khích lẫn “ép” doanh nghiệp được ban hành, Nhà nước đã đầu tư không ít về tài chính.


Thế nhưng, qua 3 năm thực hiện, 2/3 mục tiêu của chính sách mang tính nhân văn này được đánh giá đã thất bại. Chỉ có vài dự án nhà ở xã hội được triển khai; nhà cho người thu nhập thấp dù đã cho “quả ngọt” cũng bị “đội giá” lên hàng tỷ đồng; nhà ở cho công nhân triển khai ì ạch; còn nhà ở cho sinh viên thì “lặn mất tăm”.


Chính sách mới, con người phải mới
Nhà ở xã hội tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Bộ Xây dựng đã từng có quy định khá “ngặt”: Dự án trên 10ha phải dành 20% đất để xây dựng nhà ở xã hội. Chính sách này từng khiến không ít người “mừng thầm” khi với tốc độ mọc như nấm sau mưa của các đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ, quỹ đất cho nhà ở xã hội sẽ bội thu.


Thế nhưng dù dự án mọc lên san sát, ngày càng xâm lấn lên cả đất nông nghiệp, 20% đất quý giá đó đã không biết trôi nổi về đâu. Điều đáng nói là con số cụ thể về số lượng đất đã xây nhà ở xã hội chiếm bao nhiêu trong 20% đất đã được giao, quỹ đất này còn lại bao nhiêu đến nay không còn thấy ai nhắc đến.


Trên thực tế, thời gian gần đây, cùng với sự ảm đạm của thị trường BĐS đã có nhiều doanh nghiệp - trong đó không thiếu “đại gia” BĐS lừng lẫy với phân khúc cao cấp - chủ động xây nhà diện tích nhỏ, dao động từ 45-60m2.


Tuy nhiên, đa phần người mua đều “vỡ mộng”, bởi khi tìm hiểu mới hay những căn hộ chiếm số lượng nhỏ này được xây dựng với mục đích “câu khách” cho dự án là chính, có giá rất cao và rất khó mua, chủ đầu tư luôn trả lời “đã hết” để ém hàng đến phút chót.


Nếu quy định trên của Bộ Xây dựng được ban hành, liệu câu chuyện trên có lặp lại? Chưa kể việc kiểm tra, kiểm soát để khống chế số lượng các căn hộ nhỏ và vừa cùng với 20% đất xây dựng nhà ở xã hội ở hàng trăm dự án như thế nào cho đúng với quy định cũng còn là vấn đề nan giải. Một khi doanh nghiệp không hợp tác, điều này sẽ rất khó khăn.


Những câu chuyện dài tập đó khiến cho người dân giảm bớt lòng tin về những chính sách nhà ở được đánh giá “mang tính bước ngoặt”. Theo các chuyên gia, chính sách này sẽ thực sự thành công nếu mặt bằng giá nhà đất xuống đến mức người dân thu nhập trung bình khá chấp nhận được.


Bằng không, khi khâu kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước còn lỏng lẻo, doanh nghiệp sẽ tìm đủ cách “lách” để thu lợi.


Sẽ là vội vàng khi nghi ngờ tính hiệu quả của một chính sách tốt đẹp còn chưa được thực thi. Tuy nhiên, như nhận định của các chuyên gia BĐS, chính sách chưa bao giờ là khâu yếu, nan giải nhất là vấn đề con người.


Thực hiện thế nào để chính sách đó phát huy tác dụng như mong muốn, không bị biến tướng, luồn lách hay quên lãng vẫn là một bài toán khó với các cơ quan chức năng.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.