05/10/2013 9:08 AM
Phải thay đổi cách lập quy hoạch sử dụng đất đai, nếu không muốn nói là phải xây dựng quy hoạch theo trình tự “kim tự tháp ngược” - nghĩa là bắt đầu từ khả năng sử dụng đất đai có hiệu quả để phân bổ quỹ đất.

Hình minh họa

Đó là luận điểm đáng lưu ý của một số chuyên gia địa chính giàu kinh nghiệm được nêu ra tại một cuộc hội thảo mới đây. Luồng ý kiến này cũng cho rằng, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và đô thị, tới đây cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai theo vùng, chứ không nên bó cứng theo địa giới hành chính. Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu địa chính (Tổng cục Đất đai) nói, chỉ có bằng cách đó mới có thể chấm dứt tình trạng “63 nền kinh tế”, tỉnh nào cũng quy hoạch làm sân bay, bến cảng, hàng chục khu kinh tế, khu công nghiệp...

Muốn vậy, phải có những “cái bắt tay” giữa các ngành, các địa phương; cần có tổ chức và những con người làm quy hoạch và theo dõi thực thi quy hoạch không bị lệ thuộc vào địa giới hành chính. Tất nhiên, đó là việc khó, bởi sẽ phải thay đổi cả phương thức phân bổ ngân sách hiện hành. Và vì thế, đó là một yêu cầu còn xa, có thể trong vài thập niên nữa mới trở thành hiện thực (nhưng nhất định phải hướng đến). Chuyên gia nói trên cho rằng, trước mắt cần cải thiện chất lượng ba yếu tố quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất đai: về không gian; môi trường và tính hiệu quả.

Có cùng quan điểm này, PGS-TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất, nhận xét: “Quy hoạch hiện nay nặng về phân bổ đất mà chưa tính đến không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn; chưa cân nhắc kỹ lưỡng các đặc thù về môi trường (như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thiên tai...) và đặc biệt là chưa phân kỳ quy hoạch hợp lý để bảo đảm hiệu quả sử dụng cao”. Đơn cử, theo PGS-TS Vũ Năng Dũng, cần có chiến lược sử dụng đất, nguồn nước theo lưu vực các sông lớn; chiến lược sử dụng các loại đất mặn, đất cát; đất bị khô hạn, đất dốc ở các vùng trên cả nước. Vẫn theo ông Vũ Năng Dũng, một vấn đề quan trọng khác để đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng đất đai là hệ thống chính sách phải hết sức mềm dẻo. Không quá lo lắng về việc chuyển đối đất lúa sang trồng cây ngắn ngày như ngô hay đậu tương, rau hoa, thậm chí cả cây lưu niên. Ông Dũng cho hay, với công nghệ hiện nay, khi cần thiết vẫn có thể dễ dàng chuyển diện tích này trở lại trồng lúa. Quy định “lấy bao nhiêu hécta đất lúa thì phải mở thêm từng đó hécta đất lúa ở chỗ khác” cũng được nhà khoa học này coi là không khả thi, do không còn quỹ đất.

“Vùng trung du của chúng ta rất gần đồng bằng, tại sao không lấy đất trung du để làm khu công nghiệp. Dọc đường Hồ Chí Minh hiện nay có rất nhiều vị trí thích hợp, thuận tiện cho sản xuất, giao thương; tại sao không sử dụng quỹ đất còn thênh thang đó; mà lại đi lấy đất lúa...”, PGS-TS Vũ Năng Dũng trăn trở.

Anh Thư (Sài Gòn Giải phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.