Thị trường bất động sản (BĐS) có thể sẽ khởi sắc hơn khi đón nhận một dòng tiền mới từ phía nhà nước thông qua việc mua lại các dự án.

Chia sẻ khó khăn với DN BĐS

Việc bán lại căn hộ cho nhà nước sẽ giúp nhiều
DN bất động sản tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay

Đà Nẵng là đơn vị “nổ” phát súng đầu tiên cho việc thực hiện chủ trương mua lại căn hộ chung cư thu nhập thấp của DN để bổ xung vào quỹ nhà tái định cư của TP.


Mua lại các dự án


Theo đó, UBND TP tiến hành mua 100 căn hộ chung cư thu nhập thấp do CTCP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland với giá 5 triệu đồng/m2 để bố trí cho cán bộ công chức. Bên cạnh đó, cũng đã thống nhất mua lại 50% số căn hộ tại các dự án sau khi hoàn thành của liên danh Cty cổ phần Đức Mạnh và Cty cổ phần đầu tư - xây dựng 579 đầu tư.


Tại Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề nghị TP cho nghiên cứu cơ chế mua lại nhà thương mại làm nhà tái định cư. Theo đó, nếu phương án này được thông qua, Sở sẽ tiến hàng nghiên cứu địa điểm dự án, cơ cấu căn hộ, tính giá trị đất, xem xét chi phí hợp lý, mức lợi nhuận DN được hưởng để tiến hành mua để bổ xung vào Quỹ nhà tái định cư của TP.


Trước đó, tại TP HCM, thông tin về việc UBND TP cân nhắc đến việc mua lại căn hộ có diện tích từ 40 – 70 m2/căn còn tồn đọng để phục vụ cho nhu cầu tái định cư trên địa bàn TP HCM được xem là làn gió mới thổi vào thị trường căn hộ. Theo thống kê, đến năm 2015, TPHCM sẽ thực hiện 498 dự án với số hộ dân bị ảnh hưởng gần 120.000. Trong đó, có 191 dự án đang triển khai dở dang trong giai đoạn 2006-2010 chuyển sang với số hộ dân có nhu cầu tái định cư là 38.246 hộ, 307 dự án mới với tổng số hộ bị ảnh hưởng ước tính là 77.706 và có hơn một nửa số hộ này có nhu cầu được bố trí tái định cư. Như vậy, đến năm 2015, TPHCM cần giải quyết tái định cư cho hơn 83.000 hộ dân. Do đó, nếu chủ trương này được thực hiện sẽ vừa giúp TP bổ xung vào quỹ nhà tái định cư để phục vụ mục đích tái định cư người dân ở các dự án phải giải phóng mặt bằng, vừa giải quyết một lượng lớn căn hộ “ế” và thông qua đó tạo tính thanh khoản cho thị trường BĐS vốn đã đóng băng trong một thời gian dài.


Lối thoát cho DN ?


Nói về động thái này của nhà nước, nhiều chuyên gia BĐS phân tích, chính sách mua các dự án căn hộ tồn để làm nhà tái định cư sẽ tạo ra cơ hội giải cứu thị trường căn hộ trong tương lai gần, đẩy nhanh thanh khoản, tăng vốn đầu tư để hoàn thành các dự án đang dẫm chân vì thiếu vốn, lành mạnh hóa thị trường…


Ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM nhận định, trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục quản lý, thắt chặt tín dụng đối với ngành BĐS sẽ gây không ít khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng trong việc thanh khoản thì chủ trương mua lại căn hộ là một tín hiêu vui với các DN BĐS vì điều này vừa giúp các DN có tiền để thanh khoản, vừa lại giải quyết được chương trình an sinh xã hội của TP.


Mua bán căn hộ bằng nguồn ngân sách nhà nước phức tạp hơn về thủ tục và dễ nảy sinh tiêu cực.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hà, một chuyên gia phân tích cũng cho hay, giữa lúc thị trường khó khăn, người mua ngoảnh mặt, thậm chí nhiều DN đang sống dở, chết dở, việc bán được nhà cho TP cũng xem như một lối thoát cho DN. “Đây chính là lúc DN và nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn. Nếu làm được theo cách này, nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà tái định cư, mặt khác, sẽ cứu được không ít DN đang trong cơn nguy kịch, giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh” - ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra e ngại với giải pháp này, do để chủ trương đi vào thực tiễn phải trải qua một thời gian rất dài trong khi các DN đang trong giai đoạn “ngắc ngoải” đồng thời mua bán căn hộ bằng nguồn ngân sách nhà nước cũng phức tạp hơn về thủ tục và dễ nảy sinh tiêu cực. Nói về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích, chính sách này có thể là một giải pháp tốt giúp tăng sức mua cho thị trường. Nhưng vấn đề đặt ra là cách làm như thế nào, sức mua là bao nhiêu, mua của ai và nguồn tiền từ đâu. “Trong trường hợp Nhà nước không mua hết được các dự án đang tồn đọng thì vấn đề đặt ra là làm sao để không nảy sinh chuyện xin – cho”, ông Võ nhấn mạnh.


Vậy nên, điều mà các nhà đầu tư BĐS mong đợi là làm sao hạ lãi suất cho vay; phát triển các công cụ tài chính nhằm tăng cường nguồn vốn cho thị trường BĐS như quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở. Đặc biệt là các giải pháp tổng thể liên quan đến quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai, thuế, chính sách điều tiết thị trường BĐS.

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.