06/12/2013 7:53 AM
Chiều 5/12, vấn đề quản lý đất đai, đặc biệt là việc quản lý các dự án treo, việc chuyển nhượng dự án và kiểu làm ăn "chộp giật" của các chủ đầu tư đã làm nóng phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội.

Chuyển nhượng, làm ăn kiểu "chụp giật"

Chất vấn Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh về công tác quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Hoài Nam hỏi: "Vấn đề dự án treo đã được chất vấn nhiều lần và HĐND đã giám sát, tuy nhiên, vấn đề là nhiều chủ đầu tư các dự án được nhà nước giao cho không thực hiện đúng thẩm quyền, chỉ sử dụng một phần diện tích đất được giao, liên kết, chuyển nhượng, mua bán dự án… Đề nghị Phó Chủ tịch cho biết tình hình và thái độ của Thành phố như thế nào…"

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Hồng Khanh cho biết: "Các dự án được Luật cho phép chuyển nhượng, là các dự án đã thực hiện đầy đủ các quy định, đã nộp nghĩa vụ tài chính cho nhà nước (dự án 50 năm, dự án nhà ở…. ), chúng tôi hiểu rằng việc chuyển nhượng này là có lợi ích, đặc biệt là lợi ích của chủ dự án, nhưng xem xét theo quy định của luật vẫn đúng nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, vấn đề là tránh việc lách luật. Đã có những trường hợp chúng tôi phát hiện thực hiện không đúng theo quy định của luật thì UBND sẽ ách lại, không bao che dúng túng, tạo điều kiện cho việc lách luật này.”

Nhưng ông Khanh cũng thừa nhận, có những doanh nghiệp không nghiêm túc, tìm mọi cách chuyển nhượng để kiếm lời, làm ăn theo kiểu chụp giật…, "Trong thực tế, chúng tôi đã thanh tra kiểm tra một số trường hợp.” – ông Khanh nói.

Tuy nhiên, không bằng lòng với câu trả lời có phần chung chung này, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tái chất vấn: “Tôi muốn đề nghị Thành phố lập danh mục các chủ đầu tư, các dự án liên danh liên kết mà Phó Chủ tịch gọi là “chụp giật”,… nhưng thực ra là chủ đầu tư không có năng lực. Vậy trách nhiệm của các ban ngành thuộc UBND thành phố tham mưu khi thẩm định cấp dự án, sau đó các chủ đầu tư này chuyển nhượng, mua bán dự án, gây ra các hậu quả khác…?” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Ông Nam đưa ra 2 ví dụ cụ thể: “Nhà máy rượu Hà Nội, đến cuối năm ngoái là chủ đầu tư thứ 3, thứ 4 rồi. Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (khu đất Zone 9 – PV) vừa lòi ra là đã được về Quang Minh để xây dựng nhà máy, nhưng đất thì giữ lại để lập một liên doanh khai thác, nhưng không làm được nên phải khoán cho một công ty khác, rồi công ty khác lại đi cho thuê… Những hậu quả ấy, ai gánh chịu đây?”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng thẳng thắn: “Những việc này, các đồng chí đã chỉ đạo, thậm chí là tổ chức nhiều đợt thanh tra. Nhưng chúng tôi cần các đồng chí cung cấp cho HĐND các danh mục, các chủ đầu tư, các dự án cụ thể”.

Ông Nam cũng tiếp tục đưa thêm những bằng chứng: Trên đường Trung Hòa, Nhân Chính, Mỹ Đình… rất nhiều chủ đầu tư đang quây hàng rào, thậm chí trông giữ ô tô, ung dung thu tiền, gây ra những phản cảm về quy hoạch đô thị xen kẹt. Chỗ thì làm rất đẹp, chỗ để đất hoang, có chỗ còn thả bò… Tất cả những cái đó là bức tranh loang lổ về đô thị. Năm nay là năm kỷ cương hành chính, rất mong các đồng chí thể hiện thái độ quyết tâm của Thành phố. Chúng tôi thấy rằng, chúng tôi sẵn sàng cùng các đồng chí làm, chứ cứ nói là lách luật, nhưng chúng ta tạo điều kiện cho người ta lách luật như thế này còn đâu là kỷ cương?”

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Hồng Khanh, cho biết, danh sách các đơn vị vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý thu hồi “sắp tới” sẽ gửi đến đại biểu. “Số doanh nghiệp này không chỉ có tên tuổi mà còn có cả mức độ vi phạm vì trước khi thu hồi đã có thanh tra. Số doanh nghiệp này, thành phố thực hiện thu hồi đất giống như giao đất, làm chặt chẽ. Thậm chí số đông doanh nghiệp bị thu hồi đất đều có kiến nghị, nếu mình không giải quyết thì họ khiếu nại, thậm chí không khiếu nại được thì tố cáo. Tuy nhiên, UBND vẫn đúng quy định mà làm, thái độ rất cương quyết” – ông Khanh khẳng định.

Về 2 doanh nghiệp mà đại biểu Nam nêu (nhà máy rượu Hà Nội và Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (Zone 9 – PV), ông Vũ Hồng Khanh cho biết, hiện vẫn chưa có quyết định thu hồi đất vì mới đang trong tình trạng chuẩn bị đầu tư. “Vì vậy không có chuyện chuyển nhượng đất đai gì cả, vẫn là của doanh nghiệp mà chúng ta giao đất trước đây thôi. Sắp tới, khi tiến hành thực hiện dự án thì mới đến bước thu hồi đất, giao đất cho các đơn vị thì chúng tôi sẽ lưu ý ý kiến của đại biểu” – ông Khanh nói.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng thừa nhận, khu đất Zone 9 có chuyện cho thuê, hiện nay quận Hai Bà Trưng đang thực hiện thanh tra kiểm tra, đã có văn bản đình chỉ hoạt động.

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh: Có doanh nghiệp tìm mọi cách chuyển nhượng để kiếm lời, làm ăn theo kiểu chụp giật

Quan tâm đến các dự án treo, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh phân tích rằng, thực tế hiện nay thị trường BĐS trầm lắng, nhiều chủ đầu tư có triển khai dự án thì cũng không bán được nên nhiều dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, trong số đó có những dự án chủ đầu tư thực sự không có năng lực, chỉ giữ đất để khi thị trường ấm lên thì chuyển nhượng.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cũng khẳng định, có những ô đất quây lại sử dụng không đúng như công bố về dự án, gây ra bức xúc cho nhân dân vì không có thông tin, hay có những diện tích đất đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa giao cho chủ đầu tư.

“Với những trường hợp này, quản lý, khai thác thế nào trong thời điểm này khi chưa giao chủ đầu tư? Làm thế nào để tránh lấn chiếm?” – đại biểu Thịnh đặt câu hỏi và đưa ra 3 ví dụ.

“Thứ nhất, về công viên Hồ điều hòa Nhân chính. Chúng ta nói rằng đã giao cho chủ đầu tư là Megastar, nhưng thực tế là chưa giao mà mới giao nghiên cứu, lập quy hoạch. Vậy thực tế là như thế nào? Thứ 2, công viên Cầu Giấy, báo chí đã nêu rất nhiều, đã giải phóng mặt bằng nhưng hiện nay đang sử dụng vào mục đích khác, nhân dân cũng không hiểu thế nào, rất bức xúc. Thứ 3 là dự án Trung tâm sách Thanh Trì. Chúng ta báo cáo là gia hạn đến tháng 6/2014 là hoàn thành dự án, nhưng bây giờ mà chưa triển khai thì làm sao hoàn thành trong 6 tháng?”

Trả lời đại biểu Thịnh, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, Hồ điều hòa Nhân Chính và công viên Cầu Giấy đang thiếu nguồn lực để thực hiện dự án mặc dù đã giải phóng mặt bằng tạm ổn. “Để tập trung đầu tư thì chúng ta phải có nguồn lực lớn. Để xã hội hóa thì tôi cũng xin báo cáo thật là ngay ở thòi điểm này, việc xã hội hóa cho các công trình công cộng như công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí là rất khó. Các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này gần như không có nên có tình trạng để đất như vậy. Sắp tới, Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để làm công viên, phục vụ nhân dân.” – Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nêu rõ.

Tuệ Khanh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.