Nhà ở tái định cư trước đến nay vẫn khiến người dân nghi ngờ về chất lượng. Chính bởi vậy, không ngạc nhiên khi người dân rất ngại với 3 chữ "tái định cư”. Làm thế nào để người dân không còn phát hoảng mỗi khi tiếp nhận những căn hộ thuộc dự án tái định cư?

Sống trong bức xúc


Nhìn nhận về chất lượng nhà ở tái định cư, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra một đánh giá chung rằng: Chất lượng quỹ nhà tái định cư còn nhiều hạn chế. Các khu nhà tái định cư chưa được quy hoạch chi tiết, đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa gắn liền với hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, chợ, khu vui chơi, giải trí... Quy hoạch các khu tái định cư chưa đáp ứng được kế hoạch lâu dài của công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc phân bổ các địa điểm tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý...


Nhiều người dân khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội lâu nay vẫn bức xúc vì tình trạng xuống cấp nhanh chóng của khu nhà này. Chưa đầy 5 năm sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cầu thang máy... nơi đây đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Còn nhớ cách đây vài năm, người dân ở khu tái định cư Đền Lừ, Trung Hòa – Nhân Chính, Định Công... cũng phát hoảng vì trần nhà bong tróc cứ tự nhiên "rơi tự do”.


Chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, yếu mọi mặt, không được quản lý chặt chẽ... đó là những "thuật ngữ” mà người ta sẽ nhắc tới khi nói về nhà ở cho người tái định cư. Nhiều ý kiến cho rằng, về lý thuyết, các khu tái định cư phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không dự án tái định cư nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên.


Việc bố trí các nơi tái định cư xa nơi cư trú cũ còn khiến người dân bị tách xa địa bàn mưu sinh, không có việc làm, không còn nguồn nhu nhập. Tất cả những vấn đề trên dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân tái định cư thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.


Phải gắn với trách nhiệm chủ đầu tư


Lỗi một phần do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý xây dựng. GS – TS Nguyễn Đức Khiển – nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội trong buổi góp ý cho dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 đã nhận định: Xây dựng không đồng bộ, chủ yếu chỉ chú trọng làm nhà ở còn các dịch vụ khác đều không được quan tâm. Điều này vô hình trung đã làm chất lượng sống của người dân thuộc các khu tái định cư bị chênh lệch lớn.


Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Vũ Văn Hậu đã từng băn khoăn về vấn đề này: Đa số các khu tái định cư đều chưa được đồng bộ, mới chỉ đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cấp điện, cấp nước.


Nguyên nhân của tình trạng trên được một chuyên gia trong ngành cho biết: Lâu nay, các khu nhà tái định cư của chúng ta đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, bất kể chất lượng thế nào cũng được "tặc lưỡi” đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu tái định cư không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và phát triển nhà quản lý, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng, một công trình từ khi thi công đến khi kết thúc không được giám sát chặt chẽ. Do vậy, tình trạng thất thoát vật liệu, chất lượng nhà ở yếu, kém là điều khó tránh khỏi.


Vị chuyên gia này cũng khẳng định: Câu chuyện về chất lượng nhà tái định cư sẽ chưa có hồi kết nếu chất lượng công trình không được chủ đầu tư có trách nhiệm từ đầu đến cuối. Các chủ đầu tư phải coi công tác quản lý là cách giữ thương hiệu, bảo hành sản phẩm cho khách hàng thì quản lý mới tốt, khu nhà mới lâu xuống cấp. Đó cũng chính là lý do vì sao chất lượng các khu nhà kinh doanh lại hơn hẳn các khu tái định cư.

Theo Duy Phương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.