Cách đây không lâu, Báo Hà nội mới đã có bài: Thị xã Sơn Tây: Đất lúa bị "xẻ thịt" phản ánh tình trạng hàng nghìn mét vuông đất lúa ở xã Cổ Đông được chuyển đổi sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây, PV Hà nội mới tiếp tục phát hiện cả trăm hộ dân xã Sơn Đông (nằm sát xã Cổ Đông) tự ý "biến" đất trồng lúa, rau màu và đất công thành đất ở, trang trại. Đáng nói, hầu hết các vi phạm đến nay chưa được xử lý, gây bất bình trong nhân dân.

Ồ ạt xây nhà lấn chiếm đất công

“Cấy” nhà trên đất lúa
Tại thôn Bình Sơn, nhà cao tầng “cấy” trên đất nông nghiệp.


Nhóm PV Hà nội mới đã "mục sở thị" tại các khu Bốt Cũ, thôn Tân Phú; bãi Cổng Sau, thôn Bình Sơn; sân vận động, thôn Năn; hồ Đồng Mô… những nơi có nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, lấn chiếm đất công. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là người ta không chỉ đổ đất lấn ruộng, xây tường bao, nhà tạm mà còn xây cả nhà kiên cố 2 tầng trên đất nông nghiệp. Không chỉ các hộ dân trong xã, một số người từ nội thành hay huyện Phúc Thọ cũng đến đổ đất lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất công tại Sơn Đông.

Tại khu Bốt Cũ, một ngôi nhà bê tông kiên cố, khang trang xây dựng trên đất nông nghiệp, rộng 95,8m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ địa chính xã Sơn Đông cho biết, ngay sau khi phát hiện gia đình bà Tú đào móng, xây tường (tháng 2-2011) xã đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính, đề nghị bà Tú tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, di dời vật liệu xây dựng ra khỏi hiện trường, trả lại nguyên hiện trạng thửa đất. Thế nhưng sau hơn 4 tháng qua, gia đình bà Tú không thực hiện quyết định mà còn bất chấp pháp luật, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình.


Không riêng nhà bà Tú, tại xã Sơn Đông còn nhiều trường hợp khác cố tình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Điển hình như hộ ông Đào Quốc Trí ở thôn Năn, từ năm 2009 đến nay đã bị UBND xã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính tới 4 lần do các vi phạm: Đổ đất trên diện tích 70,8m2, xây tường bao trên diện tích 89,4m2, xây nhà trên diện tích 88,5m2… trên đất nông nghiệp thuộc khu vực sân vận động nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.


Không kiên quyết, càng phức tạp


“Cấy” nhà trên đất lúa
Đổ đất tràn lan trên đất nông nghiệp tại khu sân vận động, ngay trước cổng trụ sở UBND xã Sơn Đông. Ảnh: Đỗ Hà

Một vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ở xã Sơn Đông là nhiều vi phạm được phát hiện khá sớm (từ khi mới tập kết vật liệu, đổ đất san nền), xã đã lập biên bản, xử phạt hành chính... nhưng nhiều ngôi nhà kiên cố cao tầng vẫn mọc lên. Phải chăng hiệu lực của mọi quyết định xử lý vi phạm ở đây chỉ nằm trên "giấy". Vào lúc PV Hànộimới có mặt tại Sơn Đông, một ngôi nhà kiên cố hai tầng xây trên đất nông nghiệp (rộng 50m2) ở thôn Bình Sơn của hộ ông Nguyễn Văn Luân vẫn đang được khẩn trương thi công. Theo lãnh đạo UBND xã, khi phát hiện vi phạm (ngày 1-11-2010), địa phương đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu ông Luân tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng thửa đất, nhưng ông Luân vẫn cứ xây.

Tân Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Long Giang thừa nhận: Mỗi khi phát hiện vi phạm, xã đều lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính nhưng việc xử lý chưa quyết liệt nên đến nay trong 135 trường hợp vi phạm bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính, mới xử lý được 22 trường hợp (10 trường hợp tự tháo dỡ, 12 trường hợp cưỡng chế) - con số này quá ít so với tổng số hộ vi phạm thời gian qua.


Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Bùi Thị Minh Hiền cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND thị xã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND xã Sơn Đông xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, đồng thời thành lập tổ công tác xuống hỗ trợ xã cưỡng chế một số trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm trước và trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua, một số hộ tiếp tục đổ đất, xây nhà trên đất lúa. Vượt quá thẩm quyền xử lý khi nhà kiên cố đã "mọc" trên đất lúa, UBND xã Sơn Đông lại làm tờ trình đề nghị UBND thị xã Sơn Tây xem xét, ra quyết định xử lý vi phạm đối với 21 trường hợp. Hiện nay, phòng đã tham mưu cho UBND thị xã xem xét, ra quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt hành chính của UBND cấp xã đối với 18/21 trường hợp. Bà Hiền cũng thừa nhận, nếu chính quyền xã Sơn Đông quyết liệt xử lý ngay từ khi người dân mới đặt viên gạch đầu tiên sẽ tránh được những phức tạp khi phải tổ chức cưỡng chế nhà đã xây dựng kiên cố.


Tình hình vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ở Sơn Đông và một số xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây cho thấy, nếu tình trạng buông lỏng trong quản lý và sự nể nang, né tránh trong xử lý vi phạm không được khắc phục kịp thời chắc chắn sẽ còn hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất công tiếp tục bị biến thành đất ở. Đề nghị UBND thị xã Sơn Tây quyết liệt chỉ đạo việc xử lý vi phạm ở Sơn Đông theo thẩm quyền để giữ nghiêm kỷ cương.

Về việc xử lý vi phạm đất đai tại xã Cổ Đông như Báo Hànộimới đã đưa, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND thị xã nhưng đến nay xã Cổ Đông mới xử lý xong đối với hành vi lấp cống Cửa Đỗ ngăn dòng nước, còn các vi phạm như xây dựng cổng, tường bao, nhà cấp 4; chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép... chưa thực hiện được do diện tích này nằm ở địa phận giáp ranh, nay chưa xác định được mốc giới nên chưa đủ căn cứ để xử lý(?). UBND thị xã Sơn Tây đang báo cáo và đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét, xác định rõ ranh giới để xử lý theo quy định.

Theo Đỗ Hà - Trần Lê (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.