19/11/2011 12:49 AM
Tiếp tục tìm hiểu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở tại huyện Hoài Ân, chúng tôi thấy: Không riêng thị trấn Tăng Bạt Hổ mà ở những địa bàn khác như xã Ân Thạnh, cũng xảy ra tình trạng diện tích đất ở cấp cho dân không đúng theo quy định của Luật Đất đai.


Từ năm 2007 đến nay, thương binh Hoàng Thị Sương, trú ở xóm 2, thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân đã tìm đến cơ quan chức năng huyện và tỉnh đề nghị cấp lại diện tích đất ở theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hoài Ân (Bình Định) Bài 2: Cần khôi phục quyền lợi chính đáng của dân
Tờ mua bán thửa đất của gia đình thương binh Hoàng Thị Sương được lập ngày 16-2-1970

Theo phản ánh của bà Sương và tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, thửa đất mà gia đình bà Sương hiện đang sử dụng có nguồn gốc như sau: Ngày 16-12-1970, bố mẹ bà Sương là ông Huỳnh Chử và bà Trần Thị Chính nhận chuyển nhượng lại thửa đất của hộ ông Đoàn Trung và bà Nguyễn Thị Triết với trị giá chuyển nhượng là “ba chục lượng vàng”. Giấy chuyển nhượng có chứng thực của chính quyền. Tờ chuyển nhượng ghi diện tích hơn 3 sào (thực tế là 1.540m2) và xác định rõ ranh giới: Đông giáp sông Kim Sơn, Tây giáp huyện lộ, Nam giáp đất ông Nguyễn Trở và Bắc giáp đất ông Nguyễn Võ Trở. Trên thửa đất nhận chuyển nhượng vào năm 1976, gia đình ông Chử làm nhà ở; tháng 3-1983 căn nhà được xây dựng lại khang trang hơn và gia đình bà Sương hiện đang sở hữu căn nhà này.

Năm 1997, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, bà Sương được bố mẹ cho một phần diện tích thửa đất. Ngày 30-12-1997, từ thực tế sử dụng thửa đất 1.540m2, UBND huyện Hoài Ân cấp GCNQSDĐ cho bà Sương diện tích 300m2 đất ở, cấp GCNQSDĐ cho bà Trần Thị Chính (mẹ bà Sương) 300m2 đất ở và 640m2 đất vườn; còn lại 300m2 UBND xã Ân Thạnh thu hồi trái pháp luật và không đền bù, để đưa vào quỹ đất dự phòng của xã. Đến ngày 11-9-2008, sau khi mẹ mất, bà Sương được quyền thừa kế quyền sử dụng đất phần đất do mẹ bà đứng tên trong GCNQSDĐ. Như vậy, bà Sương là người có quyền sử dụng hợp pháp toàn bộ diện tích 1.540m2 đất thuộc thửa đất bố mẹ bà nhận chuyển nhượng từ năm 1970. Hiện nay, bà Sương có nguyện vọng làm lại GCNQSDĐ ở cho toàn bộ 1.540m2 của thửa đất trên nhưng không được cơ quan chức năng huyện Hoài Ân giải quyết.

Qua xem xét nguồn gốc thửa đất cũng như quá trình sử dụng đất của gia đình bà Sương từ năm 1970 đến nay, căn cứ vào những quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, chúng tôi cho rằng thửa đất của bà Sương đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận toàn bộ diện tích 1.540m2 là đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất. Mục d, khoản 1, Điều 50 của Luật Đất đai quy định: “Gia đình cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất: …Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10-1993… Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”. Và tại khoản 2, Điều 45 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, còn quy định: “Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18-12-1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2, Điều 87 của Luật Đất đai”. Khoản 1 và 2, Điều 87 của Luật Đất đai xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao như sau: “Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư. Đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao được hình thành trước ngày 18-12-1980 và người sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của luật này thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hoài Ân (Bình Định) Bài 2: Cần khôi phục quyền lợi chính đáng của dân
Thương binh Hoàng Thị Sương trên thửa đất gia đình sử dụng ổn định từ năm 1970.

Việc thu không đền bù 300m2 đất thuộc thửa đất gia đình bà Sương nhận chuyển nhượng từ năm 1970 để đưa vào quỹ đất dự phòng được UBND xã Ân Thạnh khẳng định tại Báo cáo số 24/BC-UBND, ngày 25-6-2009, về việc giải quyết đơn thư công dân, như sau: “Diện tích đất đã giao quyền cho mẹ con bà Sương là 1.240m2, so với tổng diện tích ban đầu của thửa đất giảm 300m2… là bởi 300m2 còn lại thuộc tờ bản đồ số hiệu 664 không giao quyền cho mẹ con bà, mà để lại quỹ đất dự phòng của UBND xã”. Việc làm này của UBND xã Ân Thạnh là trái với quy định của pháp luật.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, nguyện vọng của thương binh Hoàng Thị Sương yêu cầu được cấp GCNQSDĐ ở cho toàn bộ diện tích 1.540m2 đất thuộc thửa đất gia đình bà nhận chuyển nhượng từ năm 1970 là chính đáng. Được biết, bà Hoàng Thị Sương là thương binh, có tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 61%; chồng bà tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia; bố mẹ của bà đều có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương; gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tâm sự với chúng tôi, thương binh Hoàng Thị Sương bộc bạch: “Gia đình không đòi hỏi ưu đãi về đất ở, hay xây dựng nhà tình nghĩa mà chỉ mong sao quyền lợi của công dân trên thửa đất ông cha để lại không bị xâm phạm!”.

Theo Kiều Bình Định (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.