Mặt bằng cảng hơn 300 tỷ nay vẫn chỉ có đàn trâu thong thả gặm cỏ. |
Cảng Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) và cảng Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) là hai công trình điển hình của sự lãng phí.
Không đồng bộ = mất 40 tỷ đồng/năm
9 giờ 30 sáng 25/7, cổng ra vào cảng Phú Hữu được khóa bằng ổ khóa to tướng. Khuôn viên, nhà kho, kể cả chốt bảo vệ vắng bặt, không có bóng người. Ba chiếc cần cẩu 40 tấn im lìm, hoen gỉ. Thay cho hoạt động của con người là một đàn trâu thong dong gặm cỏ.
“Họ khóa cổng suốt. Ngay như dân địa phương tụi tui cũng ít người biết có cảng Phú Hữu” - anh Hà (47 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Phú Hữu) cho biết.
Cảng Phú Hữu do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ năm 2007 với tổng diện tích 24 ha với nhiệm vụ thay thế khi di dời cảng Bến Nghé, tiếp nhận tàu có tổng trọng tải 36.000 DWT với 320 m cầu cảng và 2 cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 32 m, rộng 15 m.
Theo thiết kế, tổng mức đầu tư cảng Phú Hữu (giai đoạn 1) là 327 tỷ đồng, trong đó ngân sách TPHCM cho mượn 100 tỷ đồng, vay ưu đãi theo chương trình kích cầu 140 tỷ đồng.
Phú Hữu được Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) công bố là cảng biển quốc tế và đưa vào khai thác từ cuối tháng 7/2010. Tuy nhiên, đến nay, cảng hầu như vẫn “đắp chiếu” vì đường nối vào cảng chưa thông.
Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT), tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện là đường liên quận cấp thấp, chỉ có hai làn xe, nhiều đoạn thắt cổ chai, không đảm bảo cho các xe tải nặng ra vào cảng.
Cảng Phú Hữu đóng cửa vì chưa có đường vào. Ảnh: LT. |
Mới đây, giám sát cảng Phú Hữu, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM cho mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30 m, đồng thời đầu tư đường nối từ Nguyễn Duy Trinh đến Vành đai 2 để khai thông đường vào cảng Phú Hữu.
Đề xuất này vừa được UBND TPHCM chấp thuận. Trong thời gian chờ triển khai các dự án trên, bình quân mỗi tháng, cảng Phú Hữu chỉ đón vài chuyến tàu vào giao và tiếp nhận hàng trung chuyển. Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Phú Hữu, sự không đồng bộ về hạ tầng khiến doanh thu năm 2012 chỉ đạt gần ba tỷ đồng.
Đại diện Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé cho biết, do không hoạt động được, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, cảng Bến Nghé phải chi khoảng 40 tỷ đồng cho cảng Phú Hữu.
Vào cảng nghìn tỷ bằng đò
Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước được khởi công từ tháng 5/2009 với tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) trên 2.730 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (thuộc Cty TNHH MTV cảng Sài Gòn) làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 39ha, bao gồm 800m cầu tàu có thể tiếp nhận tàu 50.000DWT, hai bến sà lan tổng chiều dài 240m, hai bến phao, hai bãi container khoảng 78.000m2, bãi hàng tổng hợp 40.000m2…
Đến tháng 7/2013, công trình đã hoàn thành một số hạng mục như cầu tàu số 3 dài 200m, hai bến phao,… với tổng kinh phí gần 1.050 tỷ đồng nhưng cụm cảng Nhà Rồng - Khánh Hội vẫn chưa di dời được vì đến nay chưa có đường vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Và, con đường duy nhất là đi đò qua rạch Mương Lớn.
Thiệt đơn, thiệt kép Theo ông Huỳnh Văn Cường, ngoài việc đọng vốn cả nghìn tỷ đồng, do đầu tư thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường giao thông nên từ đầu năm 2013 đến nay, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước chỉ đạt sản lượng hơn 90 nghìn tấn hàng, doanh thu gần 2,5 tỷ đồng. Nếu so với công suất thiết kế của cảng là khoảng 8,5 triệu tấn/năm thì mỗi năm thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. |
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn cho biết tuyến đường D3 dài 2,2 km và hai cầu vượt sông, được UBND TPHCM phê duyệt năm 2011 với tổng kinh phí ban đầu 259 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án bị “treo” đến nay do thiếu kinh phí.
Mới đây, một ngân hàng thương mại đồng ý ứng vốn làm đường, đổi lại UBND TPHCM sẽ cấn trừ vào tiền sử dụng đất của đơn vị này. Dự kiến đến tháng 9, dự án sẽ chính thức khởi công.
Theo ông Cường, do chưa có đường vào cảng, chưa thể khai thác cầu tàu và các thiết bị đã mua sắm, lắp đặt (ba cẩu vạn năng, sáu gàu ngoạm) nên cảng Sài Gòn-Hiệp Phước đành lắp… bến phao giữa sông Lòng Tàu để khai thác hàng rời, hoạt động cầm chừng. Việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng đường thủy. Trong năm 2012, cảng xếp dỡ được 240.000 tấn hàng, đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng.
“Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn- Hiệp Phước đang nợ 10 nhà thầu trên 160 tỷ đồng nên toàn bộ dự án tạm dừng thi công từ tháng 5/2013 đến nay. Trong năm 2013, chủ đầu tư cần 286 tỷ đồng trả nợ và tiến hành hoàn tất phần dở dang của 400m cầu tàu số 2, đường bãi tạm phục vụ khai thác,... Từ nay đến năm 2015 cần khoảng 700 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các hạng mục còn dở dang” - ông Cường cho biết.