Luật Nhà ở quy định rõ về chính sách phát triển nhà ở công vụ để cho thuê (xin nhấn mạnh là “để cho thuê”), những đối tượng được thuê và nghĩa vụ phải trả. Khi đã quy định như vậy có nghĩa đó là quan hệ giao dịch dân sự giữa một bên là cơ quan quản lý nhà ở công vụ và bên kia là người thuê nhà, với những điều khoản rõ ràng và mang tính ràng buộc trách nhiệm. Trong quá trình thực thi quan hệ ấy, nếu bên thuê nhà không trả khi hết hạn hợp đồng (nghỉ hưu, chuyển công tác đi địa phương khác...) thì rõ ràng đã vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến quyền lợi của bên cho thuê là Nhà nước. Chẳng lẽ những cựu cán bộ công chức cấp cao lại không biết?
Nhân đây, tôi thấy cũng cần phải khách quan xem xét lại chính sách này, nhất là đối với loại nhà ở biệt thự dành cho cán bộ cấp cao. Một biệt thự công vụ phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng, thậm chí ở những thành phố đắt đỏ như Hà Nội hay TPHCM, giá trị của nó có thể lên tới vài chục tỉ đồng (bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất). Thế nhưng, ai cũng biết giá cho thuê với cán bộ cao cấp, theo bảng giá và phương pháp tính của Bộ Xây dựng và các địa phương thì chẳng đáng là bao. Ngay trong cách tính giá theo Nghị định 71/2010, giá cho thuê chỉ bao gồm các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý, vận hành và bảo trì, thậm chí còn không tính tiền sử dụng đất và chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng tới năm năm mới điểu chỉnh một lần. Giá thuê đó chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, là giá cho có, như giá cho không. Ngân sách đang cáng đáng quá lớn để duy trì nhà ở công vụ trong khi nhiều nước trên thế giới hầu như không có chính sách này, có chăng chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia.
Vậy tại sao chúng ta không thay đổi chính sách theo hướng khoán tiền thuê nhà cho cán bộ công chức đáng lẽ thuộc diện thuê nhà? Để họ tự lo nhà ở sẽ được nhiều cái lợi: cán bộ được tự chủ hơn (thậm chí có thể tiết kiệm được từ số tiền được cấp đó mà vẫn có nhà ở khang trang), ngân sách không phải bỏ ra số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác, nhà nước không phải duy trì hẳn một cơ quan quản lý việc này với những chi phí tốn kém, không phải gặp những rắc rối và khó xử nếu cán bộ cấp cao về hưu mà chưa tự giác trả lại nhà... Tất nhiên, đối với lực lượng vũ trang (công an, quân đội) do đặc thù về công tác, chiến đấu thì tiếp tục duy trì chế độ nhà công vụ tập thể.
Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được xem xét lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội, đây là lúc cần mạnh dạn, khách quan tính toán lại chính sách nhà ở công vụ này.