23/10/2012 8:52 PM
Đỉnh triều cường những ngày qua tại Cần Thơ chưa phải là cao nhất trong những năm gần đây (tương đương 2m) nhưng rất nhiều tuyến đường, nhà ở và cao ốc trong nội ô TP đã bị nhấn chìm nghiêm trọng. Ông Kỷ Quang Vinh - Chánh văn phòng Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ cho biết, mực nước ngày càng dâng cao còn mặt đất thì ngày càng hạ thấp.


Tình hình khai thác nước ngầm và xây dựng hạ tầng gia tăng ở Cần Thơ
càng làm cho đất lún nhanh hơn.

Đất lún, nước dâng

Mặc dù năm nay lũ tại ĐBSCL được đánh giá không cao nhưng trung tâm TP Cần Thơ đang ngập rất nặng. Hầu hết các tuyến đường chính chưa được nâng cấp đều bị ngập, một số tuyến đường mới xây dựng gần đây cũng cho thấy ngập cục bộ. Trung tâm thương mại Cái Khế và KĐTM với nhiều cao ốc gần đó hoàn toàn chìm trong nước. Một số giải pháp nâng cấp mặt đường không đồng bộ để chống ngập của chính quyền Cần Thơ tạo ra bộ mặt giao thông nhấp nhô, lồi lõm.

Theo ghi nhận của Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, Cần Thơ nằm trong vùng trũng của ĐBSCL, diện tích có cao độ trên 2m chỉ chiếm 0,4% diện tích toàn thành, theo lý thuyết thì với mực đỉnh triều đo được tại Cần Thơ ngày 17/10 là 2,05m thì gần như toàn bộ TP Cần Thơ (1.400km2) đã chìm trong biển nước. Các thống kê khoa học về biến đổi khí hậu cho thấy trong 30 năm trở lại đây nước biển dâng trung bình 3cm/năm và Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng bởi mực nước dâng tương ứng. Ông Kỷ Quang Vinh cho rằng Cần Thơ ngập có nhiều nguyên nhân, ngoài việc đỉnh triều cao do nhiều yếu tố khách quan thì cũng ghi nhận được việc mặt đất thực tế có lún sụt do khai thác nước ngầm và mật độ xây dựng đô thị hóa.

Hiện tại mặt đất Cần Thơ lún sụt thế nào và đã hạ thấp độ cao bao nhiêu thì chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào của Cần Thơ ghi nhận bằng các văn bản cụ thể. Ông Nguyễn Minh Thế - Phó giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ xác nhận rằng địa phương chưa từng có đánh giá nào về việc mặt đất đã sụt lún bao nhiêu, trong bao nhiêu năm. Tuy nhiên, ông Kỷ Quang Vinh cho rằng các khảo sát của ông trong nhiều năm qua giữa cốt nền đường, cốt các công trình xây dựng và mực đỉnh triều hàng năm cho thấy mặt đất đang dần lún xuống.

Theo quy hoạch xây dựng tại P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều do UBND TP Cần Thơ ban hành năm 2008, cao độ san lấp mặt bằng hệ thống giao thông là +2,4m (theo hệ cao độ Quốc gia - Hòn Dấu), cao độ mép mặt đường là +2,5m, cao độ đỉnh gờ bó vỉa hè là +2,7m vậy mà đỉnh triều ngày 19/10 vừa qua chỉ nhỉnh hơn 2m mà nước đã vượt qua cả vỉa hè tràn vào tầng hầm của một số cao ốc và nhà dân.

Chưa có quy hoạch cao độ nền

Ngoài việc đánh giá mặt đất đang lún, ông Kỷ Quang Vinh còn cho rằng Cần Thơ ngập sâu do có thêm yếu tố chủ quan của con người, đó là việc xác định cao độ chưa chuẩn theo cao độ Hòn Dấu. Cao độ cấp 1 được dẫn từ Hòn Dấu về Cần Thơ, từ cao độ này sẽ dẫn ra những cột cao độ cấp 2, 3 và từ đó các Cty tư vấn thiết kế dựa vào để xác định cao độ cho các công trình xây dựng. Với việc mặt đất tại Cần Thơ đang lún đều thì bản thân các cột mốc chuẩn cũng không còn chuẩn, vì thế việc dẫn mốc cao độ từ các cột mốc không chuẩn sẽ cho ra các công trình xây dựng không đúng cao độ so với cao độ chuẩn Quốc gia. Giám đốc một Cty xây dựng tại Cần Thơ cho biết phần lớn các công trình xây dựng tại Cần Thơ thường căn cứ vào cao độ của cột mốc cấp 3, từ đó dẫn về nơi thi công. Trong khi các tỉnh cung cấp công khai sơ đồ tất cả các cột mốc trên địa bàn thì tại Cần Thơ phải “mua” vị trí các cột mốc này từ cơ quan chức năng thông qua việc làm thủ tục, tính phí rườm rà. Vì thế một số công trình lại dựa vào “cột mốc” mà các công trình khác đã thi công trước đó dẫn về để làm căn cứ nên sai lệch lại càng lớn.

Cùng quan điểm với ông Kỷ Quang Vinh, thạc sĩ chuyên ngành địa kỹ thuật Phạm Văn Nhơn (nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch TP Cần Thơ), là một trong những người hiếm hoi từng nghiên cứu, am hiểu địa chất vùng ĐBSCL cho biết, Cần Thơ đang nằm lọt thỏm giữa lòng của một dòng sông cổ. Theo ông, các nghiên cứu khoa học trên thế giới và Việt Nam từng xác định cách nay hàng triệu năm dòng sông cổ này vắt qua vùng Đồng Nai, trong quá trình kiến tạo địa chất vùng Đồng Nai và TP.HCM nâng cao lên và dòng sông cổ bị đẩy dồn về phía Nam. Đáy sông cổ cách mặt đất hiện hữu của Cần Thơ khoảng 45 - 50m, đất bồi tích mới hình thành rất phức tạp, hệ số rỗng của đất cao nên việc sụt lún theo thời gian là điều tất nhiên, nhất là trong tình hình khai thác nước ngầm và xây dựng hạ tầng gia tăng càng làm cho đất lún nhanh hơn.

Mặt khác, ông Nhơn cho rằng trước đây khu vực ĐBSCL dùng cao độ Mũi Nai (Kiên Giang) làm chuẩn, sau này chuyển sang quy chuẩn cao độ Hòn Dấu, việc chuyển đổi từ cao độ Mũi Nai sang Hòn Dấu đã có sự sai biệt (thấp trên 30cm) trong một số trường hợp. Cụ thể trường hợp xây dựng cảng Trần Đề (Sóc Trăng), việc tính sai cao độ đã khiến công trình bị đe dọa bởi triều của biển, sau đó phải nâng cao độ lên. Ông Nhơn nhận định việc xây dựng những mốc tọa độ chưa chuẩn (trên nền đất bị lún, chôn chưa đúng kỹ thuật…), những người làm quy hoạch dựa vào đó làm cơ sở, các công trình xây dựng lại dựa vào đó dẫn xuất khiến các công trình càng… chìm dưới đỉnh triều. Theo ông Nhơn, Cần Thơ chưa có mốc cao độ chuẩn, chưa có mốc quan trắc độ lún và cũng chưa thực hiện việc quan trắc độ lún mặt đất thời gian vừa qua. Ông đưa ra ý kiến: Cần Thơ cần phải thống nhất cốt đường và cốt bão lũ, phải xây dựng hệ thống lưới quan chắc cao độ chuẩn, quản lý lại mật độ xây dựng và khai thác nước ngầm.

Trước thực trạng rối rắm về cao độ của các công trình xây dựng để đối phó với biến đổi khí hậu, ông Kỷ Quang Vinh cho rằng cần phải quy hoạch chống ngập nước và xâm nhập mặn cho toàn bộ ĐBSCL, trong đó chú trọng cập nhật và chính xác hóa bản đồ cao độ của toàn vùng, phục vụ cho quy hoạch phát triển các địa phương. Nhận ra điều này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa thống nhất chủ trương giao Sở Xây dựng lập quy hoạch cao độ nền cho TP Cần Thơ đến năm 2030.

Theo Phương Trung (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.