20/12/2011 4:27 PM
Một nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí, trong khi đó dự trữ ngoại hối của quốc gia lại hết sức mỏng manh là đánh giá chung của nhiều người khi nói về một lượng vàng lớn đang do người dân nắm giữ (ước tính khoảng 500 tấn). Vì vậy, phát hành chứng chỉ vàng là một giải pháp đã sớm được đề cập. Tuy nhiên, cần phải hết sức thận trọng nếu như sắp tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn triển khai biện pháp này trong thực tế.

Chứng chỉ vàng là gì?


Chứng chỉ vàng là một loại giấy tờ có giá, được NHNN phát hành, để chứng nhận cho việc khách hàng gửi vàng tại NHNN. Chứng chỉ vàng có thể có hai loại: chứng chỉ ghi danh và chứng chỉ không ghi danh, được NHNN phát hành thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).


Chứng chỉ không ghi danh không thể hiện tên người quản lý, sử dụng chứng chỉ và có thể mua bán, chuyển nhượng theo hình thức trao tay (như một phương tiện thanh toán). Còn chứng chỉ ghi danh có thể hiện tên của người quản lý, sử dụng chứng chỉ đó, trong trường hợp cần chuyển quyền quản lý, sở hữu chứng chỉ thì phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và của NHNN.


Nếu người đang quản lý, sở hữu chứng chỉ vàng muốn chuyển đổi thành vàng vật chất thì có thể thông qua hệ thống các TCTD để tiến hành thủ tục chuyển đổi.


Thực tế, hiện nay một số ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang phát hành chứng chỉ vàng ghi danh, có trả lãi cho các khách hàng có nhu cầu gửi vàng tại ngân hàng. Tuy nhiên, chứng chỉ này không có vai trò như một phương tiện thanh toán. Khách hàng gửi vàng hiện nay tại các NHTM chủ yếu để hưởng lãi và để bảo đảm an toàn cho một tài sản có giá trị.


Cần thận trọng khi phát hành


Tháng 5-2012, các NHTM sẽ phải chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động vàng. Việc NHNN ban hành quy định cấm các NHTM huy động vàng xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, vì đây là hoạt động mang tính rủi ro cao do sự biến động giá vàng quá lớn; thứ hai, đây còn là một phần nguyên nhân của tình trạng bất ổn của thị trường vàng trong thời gian qua, trong đó có việc ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá đô la Mỹ. Thế nhưng, việc NHNN phát hành chứng chỉ vàng có làm những bất ổn của thị trường vàng bớt đi hay chỉ là việc NHNN thay thế vai trò của các NHTM hiện nay mà thôi, khi nhu cầu mua và tích trữ vàng vẫn rất cao nhưng có thể chỉ một phần được chuyển thành chứng chỉ?


Việc cho phép chứng chỉ vàng không ghi danh được mua bán trao đổi theo hình thức trao tay đặt ra câu hỏi về vai trò của những chứng chỉ này trong hoạt động thanh toán. Có phải đây là một hình thức của tiền, thậm chí còn bảo đảm hơn so với tiền giấy hiện nay vì được bảo đảm bằng vàng. Chúng ta sẽ đối xử với những chứng chỉ vàng này ra sao và vai trò của tiền đồng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?


Phương tiện thanh toán có bảo đảm bằng vàng gợi nhớ lại chế độ bản vị vàng trước đây. Tuy nhiên, điểm khác là các chứng chỉ này được bảo đảm bằng số vàng đã có nên về lý thuyết khả năng chuyển đổi ra vàng vật chất là bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, yếu tố đầu cơ ở thị trường Việt Nam là khá lớn mà sự thất bại của chiến dịch bình ổn vàng của nhóm G1+7 (nhóm SJC và 7 ngân hàng bán vàng bình ổn) là một minh chứng rõ ràng. Do đó, không thể không tính đến yếu tố đầu cơ, thậm chí là tấn công thị trường vàng mà trong thời gian ngắn có thể NHNN sẽ không kịp phản ứng, hoặc phản ứng với một giá phải trả quá đắt!


Nhưng có lẽ trên hết, quyết định thành công của việc phát hành chứng chỉ vàng là việc người dân có đồng ý trao cho NHNN lượng vàng vật chất của mình để đổi lại việc nắm giữ các chứng chỉ. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong tư duy và truyền thống nắm giữ vàng của đại bộ phận người dân Việt Nam. Sự thay đổi có lẽ phần nhiều phụ thuộc vào niềm tin của người dân với Chính phủ, mà trước hết là từ việc giải quyết các bất ổn vĩ mô, sự thành công của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sắp tới, của việc chống tham nhũng, lãng phí và nhiều những vấn đề bức xúc khác.


Việc huy động lượng vàng trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế, tạo nguồn lực cho NHNN điều tiết thị trường và cân đối những mục tiêu vĩ mô là cần thiết. Thậm chí cần phải tiến hành trước khi chuyển vàng SJC thành vàng SBV (vàng của NHNN) để NHNN có đủ tiềm lực can thiệp trong và sau khi chuyển đổi. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến tài sản cá nhân của người dân luôn là vấn đề nhạy cảm, cần phải cân nhắc hết mọi khả năng để chính sách đạt được hiệu quả mong muốn.


Có phải là cách tốt nhất?

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đầu tư mới đây ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng cách huy động vàng trong dân tốt nhất là phát hành các chứng chỉ huy động vàng. Người dân có quyền sử dụng chứng chỉ vàng để cầm cố, mua bán, trao đổi trên thị trường và khi cần có thể rút vàng bất cứ lúc nào.


Nhà nước sử dụng vốn vàng này để phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Khi cần thiết, Nhà nước sẽ dùng số vàng này để can thiệp thị trường.

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết cần thực hiện được ba vấn đề. Thứ nhất, chính sách phải rõ ràng, minh bạch. Thứ hai, dịch vụ, hệ thống huy động vàng phải tốt. Thứ ba, phải có mạng lưới thông tin, kiểm tra, giám sát thường xuyên.


Chứng chỉ này nên do NHNN phát hành, thực hiện song song với việc ban hành các quy chế sử dụng chứng chỉ huy động vàng. Nên phân chứng chỉ vàng ra thành hai loại: loại phải trả lãi và loại không phải trả lãi, loại ghi danh và loại không ghi danh.

Với loại chứng chỉ ghi danh, người dân dùng để gửi vào ngân hàng thì được hưởng lãi ở một mức nhất định. Còn loại chứng chỉ không ghi danh, người dân có thể mang ra trao đổi, mua bán trên thị trường... thì không được hưởng lãi.

Theo Lê Duy Khánh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.