12/03/2012 3:28 AM
Ruộng đất nhà nông đang ít dần, xấu dần, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nông nghiệp. Lao động nông nghiệp dư thừa ngày càng nhiều, lớp trẻ khỏe, lao động giản đơn kéo nhau ra thành phố làm thuê với giá rẻ mạt ngày càng đông, có nơi đến 80%.
Cần sửa đổi kịp thời những bất cập của Luật và chính sách ruộng đất
Phải có chủ thật sự trên từng mảnh đất, thửa ruộng Ảnh: T.L
Với những hậu quả như đã nêu ở kỳ trước chẳng những đã và đang trực tiếp dẫn đến hạn chế hoặc suy yếu về phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân mà còn ảnh hưởng đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, nền kinh tế quốc dân và đời sống của toàn dân.

Ngày mùa ở nông thôn ngày càng khan hiếm lao động, có nơi phải thuê gặt đến hơn 150 - 200 nghìn đồng/ngày công. Chi phí sản xuất gồm thuốc sâu, phân đạm... cao nên số thu nhập còn lại của người làm ruộng rất thấp. Đời sống khó khăn dẫn đến nhiều nơi học sinh bỏ học. Người già, trẻ em cũng phải kéo nhau lang thang ra thành phố để kiếm sống. Nhiều nhà phải nhờ chồng con đi làm thuê ngoài thành phố gửi tiền hàng tháng về để nuôi sống gia đình. Nhưng số tiền dư của lao động ở thành phố gửi về cũng đang giảm dần, vì người lang thang ra thành phố tìm việc ngày càng đông mà việc làm thì ít.

Nhìn lại việc thực thi Luật Đất đai giao quyền sử dụng đất nông - lâm nghiệp, đất ở... cho hộ nông dân và cho hộ phi nông nghiệp, phi nông dân trong thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm, đã và đang diễn ra hàng loạt hậu quả. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm theo chúng tôi là do Luật Đất đai không quy định quyền sở hữu chính đáng, cụ thể của tư nhân về ruộng đất, đồng thời trong luật còn có nhiều điều chung chung, không rõ ràng - làm điều kiện cho đội ngũ cán bộ suy thoái dễ bề tham nhũng.

Từ nguyên nhân như trên, chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội cần sớm sửa Luật Đất đai. Luật cần khẳng định : Đất đai là thuộc quyền sở hữu tối cao của toàn dân; đồng thời là thuộc quyền sở hữu chính đáng cụ thể của tư nhân (của nông dân). Vấn đề chính đáng nói ở đây là nguồn gốc đất được giao chính đáng, được mua, được thừa kế cụ thể. Số đất nào cán bộ lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để chiếm, để giao theo nhóm lợi ích của các quan tham nhũng đất thì nhất thiết phải thu hồi. Cần "Tước đoạt của những kẻ đã tước đoạt” để chia phần cho những hộ đói nghèo đã bị ức hiếp không có hoặc thiếu ruộng đất cho sản xuất nông, lâm nghiệp để bảo đảm cơ bản về đời sống cho họ. Những cá nhân cần tích tụ ruộng đất kinh doanh nông nghiệp thật sự thì mua - Nhà nước bán đấu giá phần đất công (nếu có). Đất sở hữu chính đáng và cụ thể của tư nhân, cần được kê khai, kiểm tra, xét cấp cho đúng thủ tục quy định. Đất sở hữu chính đáng và cụ thể của tư nhân, thì tư nhân có đủ mọi quyền tham gia vào thị trường bất động sản - mua bán thỏa thuận theo giá cả của thị trường. Đất sở hữu của nông dân, họ có thể tự nguyện tích tụ lại để thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Nông dân (hoặc nhân dân nói chung) có quyền chuyển đổi linh hoạt ruộng đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đất có hiệu quả cao hơn. Trước mắt, cần đình chỉ mọi trường hợp thu hồi ruộng đất mang tính độc quyền, ức hiếp dân. Nơi nào đã thu hồi sai thì phải trả lại.

Hiến pháp và Luật cần quy định khi Nhà nước cần đất cho mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia như cầu, đường của toàn dân thì người dân phải bán. Nhà nước mua và phải mua theo giá thị trường và có trách nhiệm bảo đảm cho người bị bán đất có cuộc sống ổn định, tốt hơn.

Đất đai thuộc sở hữu tối cao của toàn dân thì Nhà nước quản lý bằng chính sách bảo vệ (chống xâm lấn của ngoại bang về đất, về biển, chế ngự thiên tai...), bồi dưỡng, cải tạo, sử dụng có hiệu quả cả về số lượng và chất lượng. Nhà nước phân vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cho cả nước và cho từng vùng. Bên cạnh đó, xác định những chính sách vĩ mô để khuyến khích tư nhân có đất thực hiện theo quy hoạch. Đồng thời thực hiện thu thuế tài nguyên đất hợp lý. Trong đó, chú ý phân loại ruộng đất thành nhiều hạng (theo địa tô chênh lệch) để định mức thu thuế hợp lý...

Từ những cơ sở khoa học như đã nêu trên đây nếu được đồng thuận thì tất yếu có hàng loạt điều khoản trong Luật Đất đai, nghị định và chính sách cụ thể đi theo phải bổ sung, sửa chữa.

Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.