23/12/2012 9:27 PM
Các dự án FDI chây ì triển khai xuất hiện ngày một nhiều. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều địa phương phải căn răng thu hồi sau khi mất nhiều công sức mời gọi, ưu đãi các nhà đầu tư.

Bắt đầu thanh lọc

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2012, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 172,09 triệu USD.Nguyên nhân thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án quá 12 tháng; dự án triển khai nhưng hoạt động không có hiệu quả; doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện dự án do gặp khó khăn về tài chính nên chủ đầu tư phải bán doanh nghiệp cho đơn vị khác...

Trước đó riêng tháng 11-2012, Ban quản lý các KCN quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 17 dự án, tổng vốn thu hồi 79,484 triệu USD. 17 dự án đã ngưng hoạt động và mất liên lạc với các chủ đầu tư phần lớn các doanh nghiệp này đều nợ thuế, nợ lương công nhân và chủ nhân đều bỏ về nước không làm thủ tục giải thể.

Hầu hết các dự án bị thu hồi có quy mô vừa và nhỏ, thuộc các lĩnh vực sản xuất chế biến và gia công sản phẩm công nghiệp. Tháng 2-2012, sau bốn năm cấp phép nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam (Mỹ) không triển khai được dự án, nên bị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công viên văn hóa thế giới kỳ diệu, với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2012, trên địa bàn tỉnh cũng có 5 doanh nghiệp FDI (King May Craff, Brandon Miles, Fine Cubicle, Cửu Dương, Mir Vina) ngưng hoạt động với lý do công ty gặp khó khăn về tài chính. Không chỉ riêng Đồng Nai, tình trạng doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng diễn ra tương tự.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM, cho biết, tính đến thời điểm này thành phố có 10 doanh nghiệp FDI thuộc Ban quản lý cũng ngưng hoạt động và giải thể trước thời hạn. Không chỉ chậm triển khai dự án, khó khăn về tài chính trong hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải tẩu tán khi lâm vào tình trạng nợ đọng với con số khủng. Điển hình, Công ty TNHH Silver Star Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, trụ sở tại quận Bình Tân) hoạt động trong lĩnh vực dệt may còn nợ số thuế trên 29,6 tỷ đồng. Khi cơ quan hải quan đến xác minh trụ sở của doanh nghiệp thì chỉ còn nhà xưởng.

Việc thu hồi nhiều dự án trong thời gian vừa qua được xem như là bước thanh lọc những dự án đang còn mơ hồ. ngoài ra đó cũng là cách để cơ cấu, nhìn nhận lại môi trường kinh doanh ở trong nước để đưa ra những chính sách phù hợp hơn.

FDI chuyển hướng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI năm 2012 dự kiến không đạt được mục tiêu đề ra là 14-15 tỷ USD, tổng vốn FDI đạt 13 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt 10,5 tỷ USD. Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài đặt ra kế hoạch của năm 2012 là sẽ thu hút được khoảng 15 - 16 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Về việc thu hút vốn FDI, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng thu hút FDI nhiều nhất với 5,2 tỷ USD (chiếm 42,7% cả nước). Mặc dù FDI vào Việt Nam giảm không nhiều song trường hợp, Việt Nam không thay đổi chính sách thu hút đầu tư thì nguồn vốn này sẽ chảy thẳng vào thị trường Indonesia và Malaysia vì hai nước này đang có chính sách đầu tư rất tốt.

Ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế nhận định: “Năm 2013 kinh tế của các nước tiếp tục khó khăn một số doanh nghiệp FDI sẽ rời bỏ thị trường cũ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Nếu Việt Nam không có những chính sách cụ thể, thông thoáng thì khó thu hút FDI”.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ra mắt cuốn Sách trắng 2013. đại diện EuroCham cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề làm cản trở nguồn vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam.Trong đó có 3 nguyên nhân chính làm các doanh nghiệp châu Âu e ngại khi đầu tư vào Việt Nam là: Tình hình kinh tế khó khăn khiến giá cả tăng cao trong thời gian gần đây; các doanh nghiệp nhà nước nhận được nhiều ưu đãi nhưng hoạt động thua lỗ, không hiệu quả, cản trở sự tăng trưởng kinh tế; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa được Việt Nam bảo hộ một cách chặt chẽ.

Chủ tịch EuroCham Preben Hjortlund cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của EuroCham đến Việt Nam để kinh doanh, đầu tư và tìm các cơ hội làm ăn trong dài hạn. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang nản lòng với tình hình kinh tế hiện tại và nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường này. Nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện thì nguy cơ một vài thành viên EuroCham sẽ tìm thị trường khác cho việc kinh doanh của họ.để thu hút đầu tư từ các nước châu Âu, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện các chính sách kiểm soát về giá cả, kiểm soát các DN nhà nước cho hiệu quả và đẩy mạnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM nhận định: “Quy định thành lập doanh nghiệp gắn chặt với cấp giấy phép đầu tư vô hình chung cản trở nguồn FDI vào Việt Nam vì càng kéo dài thời gian thành lập thì tiền không vào được, doanh nghiệp cũng không thể đóng thuế cho nên cả hai bên cùng không có lợi”.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Việt Nam thay đổi cách đánh giá đầu tư, quản lý cũng phải tạo điều kiện phát triển kinh tế. Kinh tế thế giới vẫn khó khăn và đầy biến động cho nên lượng FDI cũng có thể sụt giảm trong thời gian tới cho nên việc chậm cải thiện môi trường đầu tư thì việc thu hút FDI càng khó khăn hơn.

Theo Nam Phong (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.