08/05/2014 9:29 AM
Việc loại bỏ các dự án qui hoạch treo, nhà đầu tư xí chỗ để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự.

Ông Trần Văn Đương

Ông Trần Văn Đương – Vụ trưởng (Văn phòng Chính phủ) cho biết: “Trong công tác qui hoạch, việc rà soát, điều chỉnh là việc làm thường xuyên, theo đó việc giãn, dịch tiến độ hay đưa một dự án không đáp ứng điều kiện khi triển khai ra khỏi qui hoạch hoặc bổ sung 1 dự án có tiềm năng là chuyện bình thường”.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã rà soát và đưa ra khỏi qui hoạch 9 dự án xi măng. Hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục rà soát, xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án xi măng không đủ điều kiện đầu tư theo kế hoạch 2016-2020 và giãn tiến độ một số dự án.

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, việc đầu tư dự án xi măng đòi hỏi các DN phải thu xếp được nguồn vốn và phải đi vay nhưng khó nhất là khi mua thiết bị, trước đây các dự án xi măng còn được Chính phủ bảo lãnh, nên việc đầu tư các dự án xi măng không có gì phức tạp. Nhưng khi Chính phủ không bảo lãnh cho khoản vay này nữa, các nhà đầu tư dự kiến đầu tư các nhà máy xi măng sẽ gặp khó khăn về vốn.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Đương khẳng định: “Điều này có nghĩa là chỉ có những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính thì mới đủ sức đi mua thiết bị mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ. Số lượng dự án trong qui hoạch gặp khó khăn này khi triển khai không phải ít”.

Theo tính toán, nhu cầu xi măng năm 2010 khoảng 53 triệu tấn, đến 2011 khoảng 55 triệu tấn... Nếu chỉ căn cứ theo số lượng dự án theo qui hoạch thì đến năm 2015 công suất sẽ lên tới 94 triệu tấn, như vậy sẽ dư thừa rất lớn. “Việc loại bỏ các dự án do các chủ đầu tư kém năng lực ra khỏi quy hoạch để tránh tình trạng qui hoạch treo là việc làm cần thiết. Thực tế, số lượng dự án cộng trên giấy so với tình hình thực tế cầu sụt giảm do khó khăn chung của nền kinh tế có sự chênh lệch tương đối lớn và điều này khiến nhiều người cho rằng chúng ta đang dư thừa xi măng”, theo ông Đương.

Cùng chung quan điểm với nhiều chuyên gia kinh tế, ông Đương cho rằng, trong công tác qui hoạch thì việc rà soát, điều chỉnh là việc làm thường xuyên, theo đó có thể giãn, dịch tiến độ hoặc đưa một dự án ra khỏi qui hoạch rồi bổ sung thêm dự án mới có tiềm năng vào là chuyện bình thường. Vì trong quá trình phát triển, mỗi vùng miền, địa phương, nhịp độ phát triển của nền kinh tế lên xuống ở mỗi thời điểm khác nhau; cung – cầu mỗi loại vật liệu cũng sẽ khác nhau.

Việc loại bỏ 9 dự án không có khả năng triển khai ra ngoài để các con số này không nằm trong tính toán; không còn tình trạng “xí chỗ” trong quy hoạch. Ông Đương cho rằng: Có thể chính các dự án này trong thời gian 3-5 năm sau lại đưa vào qui hoạch với qui mô khác, với nhà đầu tư khác. Việc để các dự án trong trạng thái rất tự do để khi cần mình có thể sắp xếp dễ dàng hơn.

Cởi mở với các nhà đầu tư

Khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho phần mua sắm thiết bị, máy móc cho các nhà máy xi măng thì các chủ đầu tư sẽ được lựa chọn xác đáng hơn, mang tính thị trường hơn. Vì Chính phủ không bảo lãnh nên DN nào muốn làm thì phải tự biết mình có đủ sức làm được hay không. DN muốn đầu tư phải tính toán theo khả năng, tiềm lực, kế hoạch của mình. Trong bối cảnh hiện nay, rất ít các doanh nghiệp trong nước đáp ứng các điều kiện để đăng ký đầu tư các dự án xi măng.

Đầu tư sản xuất xi măng là một trong những ngành khó. Theo lý thuyết, khi xem xét dự án xây dựng nhà máy xi măng thì phải xem xét đến nguồn nguyên liệu, thị trường và những vấn đề về vận tải. Nhu cầu nguyên liệu đá vôi cho sản xuất xi măng là rất lớn, nên khi xem xét địa điểm hoặc gần vùng nguyên liệu hoặc gần cảng, đường giao thông.

Theo ông Đương, chúng ta đã xác định được một số vùng giàu về trữ lượng đá vôi như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... Đó là những vùng có lợi thế cho sản xuất xi măng.

Hiện nay, theo ông Đương, vẫn có những nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào những dự án xi măng ở những vị trí chưa có trong qui hoạch. Khi dự án không có trong qui hoạch thì phải được địa phương chấp thuận về địa điểm xây dựng nhà máy, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, tính toán về vùng nguyên liệu, cân đối cung cầu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Trong bối cảnh hiện nay, nếu các dự án chưa có trong qui hoạch mà xét thấy nếu không tác động quá lớn đến cung – cầu mà có nhà đầu tư có năng lực mong muốn đầu tư thì phải được Bộ quản lý ngành cân đối tác động thế nào đến cung - cầu, địa phương đặt nhà máy… để trình Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung qui hoạch” – ông Đương cho biết thêm.

Đề cập ý kiến của Hiệp hội xi măng khi đề nghị Thủ tướng không bổ sung qui hoạch xi măng, ông Đương nêu quan điểm của mình: “Thực ra, khi thị trường có nhiều hàng bán thì người tiêu dùng lợi, có thời điểm Hiệp hội xi măng đề nghị Thủ tướng Chính phủ không nên bổ sung thêm các dự án mới vào quy hoạch là chưa hợp lý. Thay vào đó, cần có giải pháp khuyến khích các hội viên thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, sẽ mang lại lợi ích cho chính các nhà sản xuất và có lợi cho người tiêu dùng”.

Theo lời ông Đương: “Có rất nhiều hội viên của Hiệp hội xi măng trước đó đã từng đề nghị Thủ tướng cho bổ sung vào qui hoạch và khi vào được rồi thì lại bảo đóng cửa lại không cho người khác vào thì đó là vừa không khoa học vừa không công bằng. Bởi việc bổ sung quy hoạch một dự án là cần sự tính toán cẩn trọng ở nhiều khía cạnh và sự đồng thuận từ phía địa phương cũng như các Bộ liên quan và quan trọng là phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa một sân chơi công bằng là mọi người cùng làm một việc trong điều kiện như nhau, cùng cạnh tranh bình đẳng và sẽ do thị trường quyết định”.

An Nhi (VOV online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.