01/07/2011 8:03 AM
Hà Nội vừa phát hiện hàng loạt những vụ mua bán trái phép hoặc gian lận hồ sơ để mua nhà thu nhập thấp (TNT). Lần đầu tiên Hà Nội thực hiện mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các quy định đã bộc lộ kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Đặc biệt, theo quan điểm của một số chuyên gia thì vấn đề xác minh tài sản của ứng viên hiện nay còn có nhiều bất cập so với thực tế.


Cần có cách mới xác định điều kiện của ứng viên

Cảnh ô tô xếp hàng đăng ký mua nhà TNT ở Hà Nội từng gây bức xúc trong dư luận


Vẫn còn kẽ hở trong các quy định


Theo TS Luật học Nguyễn Đình Lục, Giám đốc Công ty Luật Hồng Lĩnh (Hà Nội) thì việc để xảy ra những những sai phạm trong chuyển nhượng và xác minh hồ sơ của người mua nhà thu nhập thấp (TNT) là do các quy định hiện hành đang có kẽ hở.


TS Nguyễn Đình Lục ví dụ: “Con trai tôi hiện không có sở hữu nhà, cũng không có quyền sử dụng đất nhưng lại đang ở trong căn nhà rộng rãi của bố mẹ và chắc chắn căn nhà đó sẽ thuộc về cháu. Nhưng trên lý thuyết, con vẫn chưa có nhà riêng nên đủ điều kiện để mua nhà thu nhập thấp theo quy định hiện nay".


Chính vì vậy, TS Lục cho rằng: "Cần phải thiết kế lại các quy định về việc bán nhà TNT, nếu không, chắc chắn sẽ dẫn đến bất công, mâu thuẫn lợi ích, dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo và đối lập lợi ích giữa bộ phận dân chúng này với bộ phận dân chúng khác. Miếng bánh đã nhỏ, chia chác không công bằng, con cái ắt đánh nhau".


Trên thực tế việc kiểm soát tình trạng cư trú, tài sản của người dân hiện nay có nhiều bất cập. Đặc biệt hiện trạng sở hữu tài sản, đặc biệt là bất động sản rất mù mờ do tình trạng mua bán trao tay trong một thời gian dài gây ra. Chính vì vậy, hệ luỵ kéo theo của việc xác định hộ khẩu cũng như tài sản của các đối tượng đăng ký mua nhà TNT có kẽ hở.


Cụ thể, báo Nguoiduatin đã từng phản ánh việc anh Nguyễn Văn V. (Sơn Tây, Hà Nội) phản ánh về việc mua nhà thu nhập thấp của mẹ anh. Ban đầu, chủ đầu tư yêu cầu hồ sơ là đối tượng chính sách có hộ khẩu Hà Nội, nhưng sau lại khoanh vùng chỉ chấp nhận hộ khẩu trên 10 quận nội thành. Gia đình anh V. đã "trượt" dự án nhà CT1 Ngô Thì Nhậm vì hộ không ở quận nội thành. Lần thứ hai, với dự án nhà TNT Kiến Hưng, anh V. đã chuyển hộ khẩu của mẹ anh về quận Hà Đông, việc chuyển hộ khẩu khá dễ dàng vì ngoài căn nhà ở Sơn Tây, anh V. cũng đang sở hữu một căn nhà khác ở Hà Đông.


Rõ ràng, một người mẹ liệt sỹ, đang không có sở hữu hợp pháp về nhà ở hoàn toàn đủ điều kiện để mua nhà thu nhập thấp mà không cần phải bốc thăm. Nhưng trên thực tế, người đó lại không có nhu cầu về nhà ở nhưng anh V. (nói đúng hơn là mẹ anh V). Với trường hợp này, không ít người sẽ đặt câu hỏi: Theo Luật Hôn nhân gia đình, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, ông bà thì những trường hợp như mẹ anh V. có được coi là người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở hay không?


"Việc chuyển nhượng nhà TNT là cái sai từ phía người dân, nhưng để xảy ra tình trạng này là có cả cái sai của các cấp chính quyền địa phương. Các địa phương thường xác nhận cho qua chứ không đi kiểm tra thực tế. Chính quyền địa phương có thể biện hộ rằng, dân ở đâu chúng tôi sao biết được và xác nhận rằng trên địa bàn tôi quản lý người dân ấy không có nhà riêng thì nghe còn hợp lý. Nếu chỉ xác nhận chung chung là người dân đó không có nhà ở mà khi phát hiện ra lại có nhà ở trên địa bàn khác là chính quyền đã xác nhận sai", TS Nguyễn Đình Lục bình luận thêm.


Theo quan điểm của nhiều luật sư, xác minh sở hữu nhà ở của đối tượng mua nhà TNT cũng cần phải xác minh cả sở hữu của bố mẹ hoặc con cái. Với quy định như hiện nay là chỉ xác minh tài sản và thu nhập của đối tượng đăng ký mua nhà TNT sẽ tạo kẽ hở dẫn đến việc chưa đảm bảo sự công bằng, minh bạch.


Nan giải xác minh sở hữu nhà ở


Cũng có ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt trong quy định về nhà ở xã hội, nhà ở TNT cần xây dựng cơ chế để bán đúng đối tượng. Xây dựng cơ chế để người dân tự giám sát bằng việc công khai danh sách, tên tuổi người đăng ký mua nhà rộng rãi để người dân biết và giám sát. Công tác xác minh sở hữu nhà ở là một khâu quan trọng. Cần lập một bộ phận thanh tra nhà ở và người đăng ký mua nhà phải nộp một số tiền nhất định để được cơ quan này xác minh tình trạng nhà ở. Khoản tiền này bắt buộc phải bỏ ra khi đăng ký mua nhà và được dùng để điều tra ban đầu. Sau này nếu phát hiện sai phạm thì quy trách nhiệm cho người điều tra. Mặc dù giải pháp này mất nhiều thời gian nhưng sẽ đem lại công bằng hơn cho người dân.


Tuy nhiên, ở góc độ chủ đầu tư, ông Lê Ngọc ước, Phó Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà TNT Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng nếu thực hiện xác minh sở hữu nhà ở đối với cả bố mẹ hoặc con cái thì các chủ đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn và không biết đến bao giờ mới bán được nhà.


Ông ước cho rằng: "Những trường hợp sai phạm trong chuyển nhượng chưa phải là số nhiều và lỗi này chưa hẳn do quy định của nhà nước. Vấn đề ở đây, theo tôi, cần phải quy định rõ người khai hồ sơ là người phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật, tương tự như cách quản lý thuế thu nhập cá nhân ở nước ngoài".


Luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ quan điểm: "Hiện nay cơ chế bán nhà cho người TNT đang tồn tại nhiều bất cập. Những người thực sự có thu nhập thấp có khi lại không đủ tiêu chuẩn mua nhà, trong khi những người không có nhu cầu về nhà ở lại đủ tiêu chuẩn mua nhà thu nhập thấp. Điều này chứng tỏ trong cách thức quản lý của chúng ta hiện nay chưa đạt yêu cầu. Cơ sở cấp xã, phường là nơi nắm rõ nhất hoàn cảnh của từng gia đình, do vậy, cần thiết phải có một quy trình chặt chẽ hơn từ cấp này để xét và bán nhà TNT thực sự cho đúng đối tượng".


Một vướng mắc lớn nhất làm nên những "lùm xùm" xung quanh việc mua bán nhà TNT là ở khâu xác minh sở hữu nhà ở. Nếu như ở nước ngoài có cơ quan đăng ký tài sản vì có liên quan đến bảo hiểm tài sản nên việc xác minh sở hữu nhà ở là khá đơn giản. "Trong khi chúng ta chưa có hình thức này, việc yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận là rất khó khăn, họ chưa có chức năng tìm hiểu để xác nhận", LS Hải cho biết. Gần đây còn có tình trạng chuyển nhượng nhà ở không thông qua cơ quan công chứng nhà nước. Cơ quan công chứng nhà nước lại không "hoà mạng" cùng với chính quyền nên không thể biết hiện nay ai có nhà và có ở đâu.


Thừa nhận sự còn bất cập trong việc xác minh nhà ở đối với đối tượng mua nhà TNT, ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết: "Có những trường hợp, chính quyền xác minh ông A có hộ khẩu ở quận Hà Đông và không có nhà ở quận này. Nhưng thực tế ông A đã có nhà ở địa bàn khác hay không thì không thể xác minh được. Đây là cái khó và đòi hỏi phải có sự quản lý liên thông mới có thể kiểm soát. Nhà nước đang rất muốn làm điều này để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản nói chung. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc kiểm kê tài sản vẫn chưa làm được, những kẽ hở và sai phạm mặc dù đã nhìn thấy nhưng cũng đành chịu vì chưa có cơ sở để xác minh cho minh bạch".

Theo Lại Quỳnh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.