Hàng trăm nghìn ha đất lúa thuộc dạng "bờ xôi ruộng mật" đã phải nhường chỗ cho phát triển đô thị, khu công nghiệp và nhiều mục đích khác.

Sự co hẹp của đất lúa đang có những tác động xấu đến đời sống một bộ phận nông dân, đe dọa an ninh lương thực. Hơn bao giờ hết, bảo vệ đất lúa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.


Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 10 năm qua có gần 350.000ha đất trồng lúa đã bị chuyển đổi sang mục đích khác. Dự kiến, đến năm 2020, diện tích đất lúa tiếp tục giảm ở con số 300.000 ha. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại về quy hoạch, sử dụng đất, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ.


Cần bảo vệ đất trồng lúa

Đất lúa khó hình thành nhưng lại đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng


Xu hướng giảm diện tích lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trồng lúa trên cả nước, một số vùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh nên diện tích đất lúa giảm càng cao.


Theo ông Tôn Gia Huyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, việc chuyển đổi số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trong thời gian ngắn, nhất là tại các vùng trồng lúa có điều kiện canh tác mà thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của một bộ phận nhân dân, đe dọa đến an ninh lương thực…


Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích, căn nguyên của vấn đề diện tích đất lúa bị co hẹp, bị đe dọa là vì các nhà hoạch định chưa tìm ra được hướng đi đúng cho quy hoạch, sử dụng đất. Nhiều khu công nghiệp, nhiều quy hoạch đất đai được lập ra nhưng lại không dựa trên cơ sở nào cụ thể, không rõ là có vì mục tiêu phát triển kinh tế hay không. Việc phát triển công nghiệp theo hướng ít sử dụng lao động, dùng nhiều vốn, nhiều đất nhưng tạo việc làm ít đã dẫn đến một thực tế là nông dân khốn khó.


Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bức tranh quy hoạch thời gian qua méo mó là chịu tác động rất lớn của thị trường và phát triển kinh tế. Vì vậy, chìa khóa cho việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất là một chiến lược quy hoạch tổng thể và sử dụng đất hết sức tiết kiệm. Trong đó, bảo vệ đất trồng lúa là nhiệm vụ hàng đầu.


“Chúng tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc về sử dụng đất lúa. Tôi cho rằng, vấn đề lương thực không thể nghĩ trong 10 năm, 20 năm mà phải nghĩ đến hàng trăm năm. Bởi tạo ra đất lương thực phải mất hàng nghìn năm, ví dụ 2.000 năm mới tạo ra được tỉnh Thái Bình”, ông Lê Quốc Dung nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, đã được một số địa phương thực hiện không đúng, tùy tiện, không tuân thủ các tiêu chí trong điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.


Có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ, vì mục tiêu bằng mọi giá phải phát triển kinh tế của địa phương nên đã đề xuất quy hoạch thiếu tính đồng bộ, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung.


Ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, để khắc phục những tồn tại trong sử dụng đất lúa, thời gian tới các địa phương sẽ tiến hành công khai khoanh vùng chỉ giới đất lúa, trên cơ sở đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ địa phương trong việc quy hoạch đất lúa.


Những bất cập, tồn tại trong quy hoạch, sử dụng đất; sự lo ngại về diện tích đất trồng lúa bị co hẹp, dẫn đến khó khăn cho một bộ phận nông dân, đe dọa an ninh lương thực là điều đã rõ. Một giải pháp đồng bộ, có tầm chiến lược cùng với ý thức tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên đất không chỉ là cơ sở để chúng ta khai thác hiệu quả tài nguyên đặc biệt này, mà còn đảm bảo vị thế cho nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới./.

Theo Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.