Để công trình có thể hoàn thành đúng tiến độ, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, rất cần cơ chế hỗ trợ để hoàn thiện nhà N3. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đều thống nhất quan điểm, so với các dự án cải tạo chung cư cũ khác trên địa bàn TP, nhà N3 Nguyễn Công Trứ có điểm khác biệt đó là sự mất cân đối về tài chính. Đến thời điểm này, theo tính toán của chủ đầu tư, dự án mất cân đối hơn 200 tỷ đồng, đó là chưa tính đến kinh phí tạm cư (nếu tính cả chi phí tạm cư sẽ mất cân đối hơn 300 tỷ đồng). Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội Trần Mạnh Dũng cho biết, hiện nay, Công ty đã được vay hơn 30 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển TP, tuy nhiên lãi suất vẫn áp dụng ở mức ưu đãi thông thường là 9%. Vì vậy, Công ty đề xuất được bố trí nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển TP với lãi suất 0% cho đầu tư xây dựng nhà N3.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Quý Tiên cho rằng, phần bù đắp của ngân sách để cân đối tài chính cho dự án thí điểm này rất lớn. Riêng nhà N3 khoảng 300 tỷ đồng, nếu chỉ đầu tư bằng ngân sách thì tính khả thi của cả dự án sẽ có vấn đề. Vấn đề là cơ chế tái định cư tại chỗ, trong đó hệ số là cái gốc. Từ nhà N3 cần rút kinh nghiệm để đưa ra hệ số cho phù hợp, từ đó ban hành cơ chế chung áp dụng cho các dự án khác. Để đảm bảo cam kết với dân cần "khoanh" nhà N3 để giải quyết về cơ chế, thực hiện quyết toán cho doanh nghiệp.
Trên tinh thần cụ thể, sâu sát trong giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu doanh nghiệp không được chần chừ trong việc triển khai dự án, nếu không quyết tâm thì không có cơ hội để thực hiện. "Về cơ chế cho nhà N3 và cơ chế tổng thể để thực hiện cải tạo toàn khu tập thể Nguyễn Công Trứ, TP đã có chỉ đạo quyết liệt, các sở, ngành đang triển khai lên phương án. Tập thể UBND TP đã bàn về dự án và thống nhất những vấn đề cơ bản, rõ cơ chế thực hiện nhà N3 vì đã di dời dân đi và hẹn ngày đưa dân về. Các phần còn lại của dự án cải tạo khu tập thể vẫn được thực hiện, nhưng cơ chế sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu và chính sách hiện hành" - Phó Chủ tịch TP cho biết, đồng thời khẳng định, TP khích lệ các doanh nghiệp thực hiện cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhưng cũng cần rành rẽ về trách nhiệm. Tới đây, việc điều chỉnh chính sách cũng vẫn phải tính đến việc hài hòa các lợi ích doanh nghiệp, người dân, cộng đồng và TP. Phó Chủ tịch yêu cầu Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, nhân lực, máy móc để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn. Tháng 9/2015 phải hoàn thành công trình, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về tiến độ đã cam kết.
Tại buổi làm việc, UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã báo cáo về hai dự án khác đang trong tình trạng chậm tiến độ, gây bức xúc trên địa bàn, đó là dự án quy hoạch xây dựng lại khu tập thể Quỳnh Mai và dự án dải đất phía Nam Đại Cồ Việt. Đặc biệt, trong khu Quỳnh Mai có hai nhà E6, E7 đã lún đến nửa tầng 1 mặc dù đã được chống lún hơn 15 năm về trước. Dự án dải đất phía Nam Đại Cồ Việt đã chậm tiến độ hơn 10 năm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của trục giao thông, cảnh quan quan trọng. Một số khu vực đã GPMB lại bị tái lấn chiếm... Ghi nhận đề xuất của chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ có buổi làm việc với các chủ đầu tư cùng các sở, ngành, quận Hai Bà Trưng, để có hướng giải quyết cụ thể với từng dự án.