Theo ông Nguyễn Minh Thực, Phó
Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam, theo chiến lược phát triển đô thị
Việt Nam, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa phải đạt 43%-45%. Một trong
những vấn đề bức xúc nhất hiện nay là làm sao để có thể phát triển đô
thị mới và cải tạo đô thị hiện hữu.
Đại diện TPHCM cho biết, hiện TP đang nghiên cứu ý tưởng chuyển dần việc quản lý quy hoạch và xây dựng theo địa bàn hành chính bằng quản lý theo vùng được hình thành tự nhiên bởi các lưu vực thoát nước nhằm điều phối các dự án đầu tư và quản lý kết cấu hạ tầng, đặc biệt công trình ngầm. Quản lý theo lưu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kết cấu hạ tầng, hướng đến quản lý địa bàn dân cư nội thị được tập trung, thống nhất và không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Là một TP du lịch, đại diện Vũng
Tàu cho biết, cùng với việc nâng cấp, xây dựng hệ thống hạ tầng, Vũng
Tàu đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng. Mảng
xanh đô thị cũng được chú trọng hơn.
Đại diện Bình Dương cho biết, tỉnh
đang tập trung xây dựng khu đô thị mới rồi mới kết nối và cải tạo. Hình
thức ban đầu chỉ là chỉnh trang tạm thời. Bình Dương đang xây dựng khu
đô thị Thành phố mới tại thị xã Thủ Dầu Một, sau này sẽ dời khu trung
tâm hành chính của tỉnh về đây, các trụ sở cũ sẽ được đấu giá để các chủ
đầu tư tham gia cải tạo khu đô thị cũ.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Cụm trưởng Cụm đô thị miền Đông Nam bộ, cho biết, hiện nay tổng cộng có khoảng 1.000 đô thị các cấp, trung bình 1 tháng hình thành 1 khu đô thị. Với nhu cầu phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, hội nghị này được tổ chức hàng năm nhằm tạo điều kiện để các đô thị trong cùng khu vực gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Theo đó, phát triển đô thị hiện đại là phải nâng chất quy hoạch, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và đô thị, kết hợp với việc chỉnh trang các đô thị hiện hữu.