Với hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng và ngày càng chịu áp lực từ sự quá tải về hạ tầng, dân số, vấn đề cải tạo khu đô thị cũ đang trở thành vấn đề nhức nhối, cần giải quyết của toàn xã hội.

Rất nhiều ý tưởng hay đã được hiến kế, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải di dời nhà máy ra khỏi khu đô thị và cần xem xét lại việc xen cấy các nhà cao tầng trong lòng các đô thị cũ.


Di dời đi kèm với tốn kém


Tại một hội thảo quy mô lớn nhằm tìm ra giải pháp, cơ chế thúc đẩy quá trình cải tạo đô thị cũ vừa được Bộ Xây dựng và Tổng hội Xây dựng tổ chức mới đây, KS Nguyễn Xuân Hải đã kể lại câu chuyện ông tận mắt thấy trong thời gian ông sống ở Mỹ. Nơi ông được đến thăm là một nhà máy cơ khí. “Nhà máy này có diện tích đất chừng 4.000m2, các phân xưởng chuyên sản xuất gia công các linh kiện cơ khí chính xác, trong đó có cả linh kiện lắp ráp máy bay. Xung quanh nhà máy là khu dân cư rất nhộn nhịp.


Sau khi tham quan, tôi hỏi ông giám đốc: “Bao giờ thì các ông phải di dời nhà máy này?”. Ông ta trợn tròn mắt: “Tại sao tôi phải di dời?”. Chưa kịp trả lời, như hiểu được ý tôi, ông đã giải thích: “Ông đã biết rồi đấy, nhà máy của tôi có phát ra tiếng ồn nào ra ngoài đâu, có thải ra chất độc hại gì đâu, nước thải của tôi đều đã được xử lý, mọi thứ đều đạt sự cho phép của tiêu chuẩn. Dân chúng cứ việc sống, chúng tôi cứ việc sản xuất. Mắc mớ gì chúng tôi phải di dời?” - ông Hải kể.


“Từ câu chuyện có thật kể trên của nước Mỹ, áp dụng vào Việt Nam, tôi cho rằng, tại sao ta phải di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nếu như các cơ sở đó đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường và không tăng số lượng công nhân? Tại sao ta phải di dời các trường đại học nếu như các trường đó không tăng số lượng sinh viên đầu vào?... Bởi ai cũng đều biết sự di dời là rất tốn kém, trong lúc nền kinh tế của ta còn nghèo. Sự di dời đồng nghĩa với việc xây dựng mới ở chỗ khác và phá cái cũ đi để thay thế vào đó là xây dựng một cái gì đó, chắc gì đã đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Ở Hà Nội, xưa kia có Khu công nghiệp Thượng Đình với caosu, xàphòng, thuốc lá, bóng đèn phích nước, Cơ khí trung quy mô..., nay bị dân bao quanh, nhà máy phải di dời. Thử hỏi sau này dân lại bao quanh nơi mới di dời thì nhà máy di dời đi đâu? Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xưa kia rộng mênh mông là vậy, nay biến thành phường dân cư Bách Khoa. Chắc là nhà trường phải di chuyển(?!”) - ông Hải chất vấn.


“Tôi không phản đối việc di dời, nhưng cần cân nhắc cẩn trọng, cái gì phải di dời, cái gì không cần di dời, phải có kế hoạch di dời từng bước theo khả năng kinh tế của mình” - ông Hải nêu ý kiến.


Cải tạo đô thị cũ: Có nhất thiết cứ phải di dời nhà máy?


Xen cấy nhà cao tầng gây áp lực lên hạ tầng


Theo Ths - KTS Trần Chí Dũng - GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh thì TP.Hồ Chí Minh cũng không mấy mặn mà với việc xen cấy nhà cao tầng vào khu đô thị cũ.


Theo ông, việc xây dựng xen cấy đã tạo ra sự thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc. “Nhà cao tầng xây dựng xen cấy vào trong ô phố, tuyến phố hiện hữu, nhất là các khu vực thấp tầng như khu nhà liên kế, biệt thự dễ dàng tạo ra sự chênh lệch về không gian và hình thức kiến trúc, nếu không được xử lý khéo léo và phù hợp sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và việc sử dụng, điều kiện an toàn, vệ sinh của các công trình xung quanh” - ông Dũng nói.


Cũng theo ông Dũng, việc xen cấy các nhà cao tầng không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng của các ô phố cũng như của cả khu vực. Trong các ô phố hiện hữu, hệ thống hạ tầng đã tương đối ổn định, đa số chỉ đáp ứng vừa đủ cho quy mô hiện hữu mà chủ yếu là các công trình thấp tầng của khu vực, thêm vào đó là khả năng nâng cấp rất hạn chế và tốn kém, nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân, hoạt động của đô thị. Do đó, việc xây dựng nhà cao tầng xen cấy vào một khu vực trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu sẽ trở thành gánh nặng thật sự cho hạ tầng. Khi diện tích sàn xây dựng tăng lên, số người tập trung, mật độ giao thông, khối lượng điện nước cung cấp... tất cả đều tăng theo, dẫn đến thực trạng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị hiện hữu bị xấu đi, nhất là về giao thông.


“Tại TP.Hồ Chí Minh, khi xây dựng nhà cao tầng trong khu hiện hữu đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là các công trình có chức năng tập trung đông người như trường học, trung tâm thương mại” - ông Dũng cho biết.

Theo Song Minh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.