Trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, việc cải tạo chung cư cũ đang là vấn đề nhức nhối, đỏi hỏi cần có cơ chế chính sách cũng như kinh phí thực hiện. Đây chính là bài toán khó, làm sao để có lời giải thỏa đáng nhất đang là vấn đề “nóng”.
“Xây dựng chính sách cải tạo khu đô thị cũ” là nội dung của buổi hội thảo được Bộ Xây dựng và Tổng hội Xây dựng tổ chức cuối tuần qua không nằm ngoài mục đích tìm lời giải cho công tác cải tạo đô thị cũ này.
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho hay, sức ép tăng dân số từ bản thân nội tại các khu ở cũ cũng như từ bên ngoài vào đã làm cho các công trình hạ tầng kỹ thuật quá tải.
Đô thị cũ… quá tải
Do nhu cầu cuộc sống và sự ra đời của cơ chế thị trường nên hệ thống đường xá trong khu vực đã thay đổi rất nhiều. Sự gia tăng do nhu cầu đi lại, gia tăng phương tiện giao thông và do không kiểm soát được các loại phương tiện như xe con, ô tô, xe máy dẫn đến tình trạng thiếu bãi đỗ xe và cùng với sự gia tăng này thì ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi.
Cải tạo đô thị cũ đang là vấn đề nhức nhối trong quá trình tốc độ đô thị hóa hiện nay. Ảnh: Internet.
Hệ thống thoát nước, bể phốt ở nhiều khu nhà ở bị quá tải, thường xuyên ngập úng về mùa mưa, gây mất vệ sinh môi trường. Khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật giảm sút và không có điều kiện cải thiện. Những trận mưa lụt ở Hà Nội trong thời gian qua đã thể hiện rất rõ hệ thống thoát nước của thành phố và trong các khu ở đang là vấn đề cần có biện pháp khắc phục kể cả ở các khu đô thị mới xây dựng tại vùng ven trước kia.
Tình trạng lấn chiếm không gian công cộng, đất cây xanh, mặt nước, chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ đường phố, phạm vi bảo vệ các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng.
Mật độ xây dựng giai đoạn ban đầu thấp chỉ 25-35% nay đã tăng lên đến 70-80%. Toàn bộ diện tích đất trống, diện tích cảnh quan, cây xanh bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở hoặc kinh doanh.
Tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép là phổ biến. Việc cơi nới này không chỉ diễn ra ở dưới mặt đất, trên các công trình hạ tầng kỹ thuật, sự gắn kết trên không gian và cả trên nóc các tòa nhà…
Phải đổi mới cách làm
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến đề xuất, khi xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường trong khu đô thị cũ tại những nơi có điều kiện cần thiết có giải pháp giải toả rộng hai bên đường, lấy đất mặt đường xây dựng nhà ở (có cửa hàng) để bán hoặc cho thuê, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa tạo ra lợi nhuận lớn đóng góp vào quỹ phát triển nhà ở.
Theo quan điểm của bà Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thì việc quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể như: Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ – Hào Nam, Thành Công, Khương Thượng, Phương Mai, Nguyễn Công Trứ... cần cải tạo chỉnh trang xây dựng trên nguyên tắc kiểm soát hạn chế phát triển dân số với ngưỡng tối đa bằng số dân hiện có, không xây dựng cao tầng đối với vùng ảnh hưởng đến các không gian bảo tồn.
Các khu tập thể cải tạo được phép nâng tầng là các khu tập thể không ảnh hưởng tới vùng bảo tồn, nằm trên các trục đường hướng tâm, tạo được điểm nhấn kiến trúc và hình ảnh đô thị văn minh hiện đại của Thủ đô. Với điều kiện xây dựng mật độ thấp để tạo được quỹ đất bổ sung cho các chức năng hạ tầng xã hội còn thiếu trong khu vực như: diện tích cây xanh, bãi đỗ xe, tiện ích công cộng, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ...
Còn theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, trong các khu đô thị cũ do có đặc thù riêng nên cần có sự đổi mới quản lý. Từ xây dựng thể chế, cơ sở pháp lý đặc thù (hiện đang rất thiếu) đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý, nhất là phân công phân cấp. Theo ông, bài học từ hiện tượng các nhà siêu mỏng, siêu méo là minh chứng cần quan tâm.
Trong các khu đô thị cũ thông thường đã xác định các chủ sử dụng đất, là khu vực đã có dân cư vì vậy để cải tạo tái phát triển được cần sự tham gia của cộng đồng từ khâu lập, thẩm định quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng và điều chỉnh quy hoạch cũng như tham gia đầu tư. Đây là việc cần được thể chế hoá, cần nâng cao nhận thức với cộng đồng cả với các cơ quan quản lý.