Toàn thành phố hiện có 982 nhà chung cư cũ do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể do Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. Từ năm 2005, trước tình trạng nhiều chung cư cũ bị xuống cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân, thành phố khởi động dự án cải tạo, nâng cấp chung cư cũ.

Trong số hơn 1.100 chung cư cũ, thành phố đã bố trí kinh phí 7,7 tỷ đồng để kiểm định chất lượng đối với 77 nhà chung cư. Kết quả kiểm định cho thấy có 11 nhà chung cư nguy hiểm cấp D, gồm: nhà B4, B14 tập thể Kim Liên, 187 phố Tây Sơn, P3 tập thể Phương Liệt, C6, B7 tập thể Giảng Võ, C1 tập thể Thành Công, cần tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân, cải tạo lại theo quy định của Luật Nhà ở... Thế nhưng, sau nhiều năm khởi động, tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư nguy hiểm này rất chậm. Hiện vẫn chưa có chung cư nào hoàn thành, thậm chí có dự án còn chưa triển khai. Các khu chung cư còn lại mới hoàn thành công tác khảo sát hiện trạng, tiến hành điều tra xã hội học, phổ biến chính sách đến người dân...


Sở Xây dựng cho biết: nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này là do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ nhà tạm cư, nhà tái định cư và chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô... Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, chính sự vào cuộc thiếu chủ động của một số chủ đầu tư cũng gây nên sự chậm trễ. Một số chủ đầu tư sau khi được thành phố giao thực hiện dự án chậm triển khai, hoặc chỉ làm cầm chừng, điển hình là chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Văn Chương (quận Ðống Ða). Cá biệt, một số chủ đầu tư tự tạo ra phức tạp trong quá trình thỏa thuận với người dân, tạo sức ép với thành phố để được nâng cao số tầng xây dựng, hòng có thêm diện tích sàn để kinh doanh. Có doanh nghiệp còn xúi giục người dân đưa ra những ưu đãi lớn, thậm chí đòi hỏi vô lý đối với đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ, làm cản trở việc triển khai dự án.


Việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ăn chốn ở hàng nghìn hộ dân, mà phần lớn trong đó là cán bộ hưu trí, người làm công ăn lương, người lao động thu nhập thấp... cuộc sống vốn chẳng mấy dư dả, nay càng thêm khó khăn vì không ổn định về chỗ ở. Trước tình trạng này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng rà soát lại toàn bộ các chung cư cũ, công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư ngay trong tháng 8, xác định năng lực của các nhà đầu tư về tài chính, quỹ nhà tạm cư, quỹ nhà đối ứng, kiên quyết thay thế các nhà đầu tư không đủ điều kiện. Các quận, huyện, thị xã tập trung giải phóng mặt bằng, kiên quyết phá dỡ các nhà nguy hiểm tại những dự án thành phố đã đồng ý chủ trương và đã giao đất để triển khai. Ðối với các chung cư cũ nằm riêng lẻ nếu không ảnh hưởng đến quy hoạch cần phải triển khai ngay. Bên cạnh đó, thành phố cần kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về chiều cao, số tầng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố.

Theo Minh Vân (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.